MỤC ĐÍCH CỦA SỰ ĐẦY DẪY ĐỨC THÁNH LINH

Trần Đình Tâm

 

Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh hay được Đức Thánh Linh đổ đầy trong đời sống (being filled with The Holy Spirit) là chủ đề được một số nhà thần học nghiên cứu, thỉnh thoảng được giảng dạy trên tòa giảng, được trình bày trong các tài liệu Cơ-đốc và cũng được thảo luận trong các khóa học về Đức Thánh Linh. Dường như có hai khuynh hướng trái ngược trong sự giảng dạy về lẽ đạo đầy dẫy Đức Thánh Linh: Có một khuynh hướng giảng dạy qua loa, sơ sài như thể muốn “tránh né” vấn đề đầy dẫy Đức Thánh Linh! Cách giảng dạy lẫn tránh nầy không giúp ích gì nhiều cho con cái Chúa hiểu và ứng dụng lời Chúa trong đời sống. Hậu quả là con cái Chúa có nếp sống thuộc linh thiếu mạnh mẽ, thiếu lòng sốt sắng phục vụ Chúa, tâm linh khô hạn v.v… Có một khuynh hướng giảng dạy khác, nhấn mạnh đến sự đầy dẫy Đức Thánh Linh qua sự kiện “báp-têm bằng Đức Thánh Linh” mà kết quả là nói tiếng lạ. Hướng giảng dạy nầy khiến cho đức tin của con cái Chúa thay vì đặt trên nền tảng Thánh Kinh, lại đặt trên cảm xúc nhất thời.

Có nhiều bài giảng luận hay bài học Kinh Thánh xoáy mạnh vào câu hỏi: “Làm thế nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh?” . Người ta đã cố gắng đưa ra một loạt các hướng dẫn như: Phải khao khát được đầy dẫy Đức Thánh Linh; phải phó thác hoàn toàn đời sống mình cho Đức Thánh Linh mà không giữ lại chút nào cho riêng mình, phải để Đức Thánh Linh chiếm hữu và cai trị hoàn toàn mọi tư tưởng, hành động, lời nói của mình v.v… Cách giảng dạy như thế mới nghe qua có vẻ rất thiêng liêng, rất bài bản. Tuy nhiên, sự giảng dạy như thế thường không giúp ích gì nhưng lại có tác dụng trái ngược, có thể khiến cho người tín đồ … không muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh, họ … sợ được đầy dẫy Đức Thánh Linh!!

Thật ra, không có chổ nào trong Kinh Thánh trực tiếp dạy: “Để được đầy dẫy Đức Thánh Linh chúng ta phải … (nêu ra một số việc phải làm)”. Kinh Thánh không hề đưa ra một loạt các điều kiện nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh! Cũng không có chổ nào trong Kinh Thánh dạy để được đầy dẫy đức Thánh Linh, chúng ta phải tận hiến cuộc đời cho Chúa mà không giữ lại chút gì cho mình! Cũng không có câu Kinh Thánh nào nói: “phải khao khát đầy dẫy Đức Thánh Linh”! Tuy nhiên, nếu đọc Kinh Thánh cẩn thận, chúng ta sẽ thấy Lời Chúa nêu ra những kết quả của đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, hơn là trình bày các việc cần phải làm để được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Đối với câu hỏi “Làm thế nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh?”, người ta giải đáp bằng cách nêu ra một số việc phải làm như: phải khao khát, phải cầu xin, phải xưng tội, phải phó thác, phải từ bỏ, phải tương giao, phải tin cậy v.v… Sau đó, người ta cố gắng làm theo những điều kiện đó. Thế nhưng, không ai biết được phải làm đến mức độ nào mới được kể là đủ? Sau đó, người ta sẽ tự đánh giá mình xem có được đầy dẫy Đức Thánh Linh chưa (?). Như vậy, người ta đã hướng về cái TÔI của con người: TÔI có được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay không? ÔNG kia, BÀ nọ, CÔ ấy có được đầy dẫy Đức Thánh Linh không?

Tốt hơn hết, thay vì cố gắng giải đáp câu hỏi “làm thế nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh”, chúng ta nên đặt một câu hỏi khác quan trọng hơn, đó là câu hỏi hướng về mục đích của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh: “Đầy dẫy Đức Thánh Linh để làm gì?”

1. Đầy dẫy Đức Thánh Linh để làm gì?

Kinh Thánh chỉ ra 2 mục đích: Đầy dẫy Đức Thánh Linh để phục vụ Chúa và đầy dẫy Đức Thánh Linh để đắc thắng bản tính xác thịt.

a) Đầy dẫy Đức Thánh Linh để phục vụ Chúa:

Hội Thánh đầu tiên đã chọn ra một số người phục vụ trong Hội Thánh, họ là những người đầy dẫy Đức Thánh Linh:

“Vậy, anh em hãy chọn trong số mình bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và khôn ngoan, rồi chúng ta sẽ giao trách nhiệm nầy cho họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:3)

Đức Thánh Linh ban cho các con cái Chúa các ân tứ (spiritual gifts) khác nhau để giúp đỡ lẫn nhau nhằm mục đích gây dựng Hội Thánh, phục vụ Chúa:

“Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.” (I Cô-rinh-tô 12:7-10,28)

Hội Thánh là thân thể thuộc linh mầu nhiệm của Chúa Jesus, để gây dựng và phát triển Hội Thánh, người tín đồ không thể dùng sức riêng hay sự khôn ngoan của mình để thi hành công việc trong Hội Thánh. Vì thế nên Đức Thánh Linh ban các ân tứ cho con cái Chúa để họ phục vụ Ngài.

Người tín hữu cần khám phá ân tứ Chúa ban cho và dùng ân tứ Chúa cho để phục vụ Hội Thánh. Khi một người đang trong lúc phục vụ Chúa qua ân tứ của Đức Thánh Linh, ấy là lúc người đó được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Lúc ấy, sự đầy dẫy Đức Thánh Linh được biểu hiện qua tấm lòng sốt sắng, hăng say và vui thích làm công việc Chúa (ví dụ: làm chứng Tin Lành, thăm viếng an ủi, chăm sóc tín hữu mới, soạn bài học Kinh Thánh, giảng dạy Kinh Thánh, vệ sinh nhà thờ v.v…) và nhận thấy được kết quả việc mình làm cho Chúa. Nếu người tín đồ không ham thích việc mình đang làm, nhưng cũng cố làm với tấm lòng nặng nề, miễn cưỡng thì hãy hiểu rằng người đó không được đầy dẫy Đức Thánh Linh, có thể nguyên do là người đó làm công việc không đúng với ân tứ Chúa ban, hoặc tội lỗi chưa xưng ra đã ngăn trở Đức Thánh Linh.

Vấn đề rất đơn giản: Đầy dẫy Đức Thánh Linh để phục vụ Chúa, chứ không phải phục vụ Chúa để được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Như vậy, hãy phục vụ Chúa! Người tín đồ có kinh nghiệm trong sự hầu việc Chúa, sẽ biết rõ ân tứ nào Đức Thánh Linh ban cho mình, hãy vâng lời Chúa mà phục vụ, lúc ấy Đức Thánh Linh sẽ đầy dẫy trong người ấy để người ấy phục vụ có kết quả.

Chúng ta không cần phải xét xem mình có được đầy dẫy Đức Thánh Linh hay không. Đừng chú ý vào cái TÔI của mình. Hãy chuyên cần hầu việc Chúa, hết lòng hầu việc chúa kèm theo sự cầu nguyện, Đức Thánh Linh sẽ làm công việc của Ngài là đầy dẫy trong anh em.

Đừng nghĩ rằng phải làm những công việc lớn lao và quan trọng mới được đầy dẫy Đức Thánh Linh (như Phi-e-rơ giảng Tin lành cho hàng ngàn người nghe). Đức Thánh Linh vẫn đầy dẫy trong những người đang trung tín làm công việc nhỏ cho Chúa (như các chấp sự Hội Thánh đầu tiên). Người đầy tớ nhận 5 ta-lâng, làm ra thêm 5 ta-lâng và người đầy tớ nhận 2 ta-lâng, làm lợi thêm 2 ta-lâng, cả hai đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh như nhau, vì họ đã trung tín phục vụ Chúa như nhau.

b) Đầy dẫy Đức Thánh Linh để thắng bản tính xác thịt.

     “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 5:18)

Tại sao cần phải thắng hơn bản tính xác thịt?

Sau khi tin Chúa, con người cũ, còn gọi là bản ngã, tức là bản tính xác thịt (flesh) vẫn còn trong chúng ta. Bản tính xác thịt là những “tính xấu”, là những “thói hư tật xấu” tồn tại trong con người chúng ta. Ga-la-ti 5:19-21 liệt kê một số các bản tính xác thịt gồm: “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.”. “… cùng các sự khác giống như vậy” cho thấy danh mục vừa nêu chưa chấm dứt mà còn nhiều hơn nữa, chúng ta có thể kể thêm trong II Ti-mô-thê 3:2-4: “Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.” hay I Cô-rinh-tô 6:9,10: “tà dâm, thờ thần tượng, ngoại tình, đồng tính luyến ái, trộm cắp, tham lam, say sưa, chửi rủa, cướp giật.”

Để thắng hơn bản tính xác thịt, người tín đồ phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 5:18)

Tại sao câu trên đem hình ảnh một “người say rượu” đối chiếu với người “đầy dẫy Đức Thánh Linh”? Vì đó là hai hình ảnh tương phản trong con người: người say rượu chịu ảnh hưởng của rượu, bị rượu sai khiến, làm cho hành động trở nên luông tuồng. Người say rượu là người sống theo xác thịt, chìu theo ước muốn xác thịt. Ngược lại là người đầy dẫy Đức Thánh Linh,  được Đức Thánh Linh hướng dẫn, ở dưới ảnh hưởng tốt đẹp của Thánh Linh.

Nếu không được đổ đầy Đức Thánh Linh, chúng ta không thể thắng hơn tính xác thịt, không thể thắng hơn sự cám dỗ (vì người tín đồ bị cám dỗ chìu theo các ước muốn của xác thịt). Mặt khác, khi chúng ta đang sống theo xác thịt, đang chìu theo những ham muốn của xác thịt, chúng ta biết chắc rằng mình không được đầy dẫy Đức Thánh Linh, ngược lại, chúng ta làm buồn lòng Đức Thánh Linh (Ê-phê-sô 4:30)

Như vậy, bí quyết để được đầy dẫy Đức Thánh Linh là đây:

     “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” (Ga-la- ti 5:16)

Bí quyết gồm 2 mặt: Mặt tích cực: Bước đi theo Đức Thánh Linh. Mặt tiêu cực: Đừng chìu theo những ước muốn của xác thịt.

Thế nào là bước đi theo Đức Thánh Linh? “Bước đi” tức là chịu đi theo, chịu ở dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta qua Lời của Ngài là Kinh Thánh: “Lúc nào Thần lẽ thật (Đức Thánh Linh) sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật.” (Giăng 16:13); “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; Lời Cha (Kinh Thánh) tức là lẽ thật.” (Giăng 17:17). Bước đi theo Đức Thánh Linh tức là bước đi theo sự hướng dẫn của Lời Chúa.

Như vậy, hãy chuyên tâm học hỏi, suy gẫm Lời Chúa; cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta thuận phục theo Lời Chúa; sau đó vâng theo Lời Chúa dạy trong nếp sống hằng ngày. Lúc đó, Đức Thánh Linh sẽ đầy dẫy trong chúng ta, không những giúp chúng ta thắng các bản tính xấu thuộc bản tính xác thịt, nhưng còn biểu lộ ra bên ngoài những bông trái tốt đẹp của Đức Thánh Linh nữa: “Nhưng bông trái của Đức Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” (Ga-la-ti 5:22). Những đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh là những đời sống có bông trái của Đức Thánh Linh.

Về mặt tiêu cực, không chìu theo lòng ham muốn của xác thịt, vì “xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:17). Người sống theo xác thịt không bao giờ được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

2. Phân biệt giữa nhận lãnh Đức Thánh Linh và đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Tất cả mọi người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Chúa Jesus, đều nhận được Đức Thánh Linh, Ngài cư ngụ (dwell) trong họ, nhưng không phải tất cả đều đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Chúng ta nhận lãnh Đức Thánh Linh ngay vào thời điểm ăn năn tôi và tin nhận Chúa Jesus (Giăng 7:39). Chúng ta được đổ đầy Đức Thánh Linh để phục vụ Chúa cách hiệu quả, chúng ta cũng được đổ đầy Đức Thánh Linh để đắc thắng bản ngã, đắc thắng cám dỗ, đắc thắng tội lỗi để có nếp sống đẹp lòng Chúa.

Chúng ta nhận lãnh Đức Thánh Linh một lần, nhưng đầy dẫy Đức Thánh Linh có thể xãy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại.

Đức Thánh Linh được ban cho chúng ta để chúng ta nhận được sự sống (sự sống thuộc linh); nhưng Đức Thánh Linh đầy dẫy trong chún ta để chúng ta có sự sống dư dật, sự sống phong phú: Vì Chúa Jesus phán: “Còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10)

Người Đức Thánh Linh nhưng chưa bao giờ đầy dẫy Đức Thánh Linh (không phục vụ Chúa; sống theo ước muốn xác thịt) được kể là người xác thịt; ngược lại là người thiêng liêng: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy.” (I Cô-rinh-tô 3:1)

Người đầy dẫy Đức Thánh Linh là người sống theo Lời chúa dạy, nên người ấy đang trong tiến trình “đạt tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:13); Ngược lại, người đó bị kể là con trẻ, thơ ấu (Ê-phê-sô 4:14; Hê-bơ-rơ 5:13)

3. Kết Luận:

Chúng ta không cần phải cố gắng tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “làm thế nào để được đầy dẫy Đức Thánh Linh?” Chúng ta cũng không cần phải để ý xem TÔI có được đầy dẫy Đức Thánh Linh không?

Chúng ta hãy hết lòng phục vụ Chúa theo ân tứ Chúa ban cho, Đức Thánh Linh sẽ đổ đầy trên chúng ta để chúng ta hoàn thành công tác, vì “chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta.” (Xa-cha-ri 4:6)

Chúng ta cần phải học hỏi và vâng giữ Lời Chúa, tức là bước đi theo Đức Thánh Linh. Ngài sẽ đầy dẫy trong chúng ta để đời sống chúng ta vừa thắng hơn bản ngã, vừa sanh ra những bông trái Thánh Linh. “Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy dẫy trong lòng anh em và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan.” (Cô-lô-se 3:16)

Tháng 1, 2015