Người Phụ Nữ Có Được Phép Giảng Dạy Trong Hội Thánh?

Trần Đình Tâm

 

Có nhiều phụ nữ trong thời Cựu Ước được Đức Chúa Trời dùng để thực hiện những mục đích đặc biệt của Ngài như các nữ tiên tri Đê-bô-ra (Các Quan Xét 4:4), Hun-đa (II Các Vua 22:14), Mi-ri-am (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20), Nô-a-đia (Nê-hê-mi 6:14) v.v… Tân Ước cũng ghi chép nhiều gương phục vụ của phụ nữ được Chúa dùng để gây dựng Hội Thánh. Không ai có thể phủ nhận những thành quả rất đáng trân trọng từ những người phụ nữ yêu kính Chúa đã đóng góp cho Hội Thánh ngày nay. Tuy nhiên, đối với công tác giảng dạy Kinh Thánh cho những người nam trong Hội Thánh, người phụ nữ có nên đứng trước Hội Thánh trong buổi nhóm thờ phượng để dạy Kinh Thánh không? Đây là một vấn đề gây nhiều tranh luận và chắc sẽ không có hồi kết thúc. Có nhiều phụ nữ không thể chấp nhận một phụ nữ đứng lên giảng dạy trong buổi thờ phượng Chúa. Ngược lại, cũng có nhiều người nam lại chấp nhận sự giảng dạy của người phụ nữ trong Hội Thánh. Đây là vấn đề quan trọng, vì có liên quan đến sự tổ chức một buổi nhóm thờ phượng Chúa mà cả hội chúng (có sự hiện diện những người nam) được nghe giảng Lời Chúa. Để giải quyết vấn đề nầy, chúng ta cần tuân theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh, là Lời Đức Chúa Trời.     

1. Người phụ nữ có được phép giảng dạy trong Hội Thánh Không?

Sứ-đồ Phao-lô trình bày rất rõ ràng trong I Ti-mô-thê 2:11-12:

“Đàn bà phải yên lặng mà nghe dạy, lại phải vâng phục mọi đàng. Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông; nhưng phải ở yên lặng.”

“Let the woman learn in silence with all subjection. But I suffer not a woman to teach, nor to usurp authority over the man, but to be in silence.” (KJV)

Từ ngữ “dạy dỗ”, nói cho gọn hơn, là “dạy”, theo nguyên văn Hy-lạp là didaskō có nghĩa là “đem lại kiến thức cho ai” hoặc “làm cho ai hiểu biết được điều gì đó và có khả năng làm được điếu đó”, từ tiếng anh là “teach” được dùng trong hầu hết các bản dịch tiếng Anh như KJV, NKJV, NRSV, HCSB, ESV, NIV.

Trong thời đại Tân Ước, Đức Thánh Linh ban cho tín đồ các ân tứ để gây dựng Hội Thánh, một trong các ân tứ là “teach”, bản Kinh Thánh Truyền Thống dịch là “thầy giáo” (I Cô-rinh-tô 12:28 ) hay “giáo sư” (I Cô-rinh-tô 12:29, Ê-phê-sô 4:11) hay “dạy dỗ” (Rô-ma 12:7). Đây là ân tứ giảng dạy Lời Chúa, là công việc giải nghĩa, giải thích hay thông giải Lời Chúa nhằm giúp cho người khác hiểu biết Lời Chúa để áp dụng đúng trong cuộc sống và để gây dựng cho nhau.

Theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh, người phụ nữ không được giảng dạy Kinh Thánh và cầm quyền trên người nam. Xin nhớ rằng I Ti-mô-thê 2:11-12 không phải là ý kiến riêng của Phao-lô như nhiều người cố ý gán cho, nhưng là mệnh lệnh của Chúa truyền cho Phao-lô.

Để hiểu rõ thêm, chúng ta đọc trong I Cô-rinh-tô 14:35,36:

đờn bà phải nín lặng trong đám hội (churches) của anh em: họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy. Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đờn bà nói lên trong Hội thánh (church) là không hiệp lẽ.”

Phần Kinh Thánh trên dạy rõ về người phụ nữ sinh hoạt trong Hội Thánh như sau:

+ Đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em (keep silence in the churches-KJV). Bản TTHĐ dịch: “Phụ nữ phải giữ yên lặng trong Hội Thánh.”

+ Họ không có phép nói tại nơi đó (it is not permitted unto them to speak-KJV)

+ Phải thuận phục theo luật pháp dạy (they are commanded to be under obedience, as also saith the law).

+ Nếu muốn tìm biết điều gì, họ nên hỏi chồng mình ở nhà (If they will learn anything, let them ask their husbands at home-KJV)

+ Đàn bà nói lên trong Hội Thánh là không hợp lẽ (It is a shame for women to speak in the church-KJV). Bản TTHĐ dịch: “Vì phụ nữ nói giữa Hội Thánh là điều đáng xấu hổ.”

Nếu theo sự hướng dẫn trên, người phụ nữ không được phép nói trong Hội Thánh, như thế, làm thế nào người phụ nữ lại có thể được phép giảng dạy trong Hội Thánh với bất cứ lý do gì?

Tuy vậy, “Họ (người phụ nữ) không có phép nói tại nơi đó (buổi nhóm tại Hội Thánh) hay “phụ nữ nói giữa Hội Thánh là điều đáng xấu hổ.” không có nghĩa là người phụ nữ phải hoàn toàn im lặng. Chúng ta nên hiểu họ chỉ không được phép dạy (teach) mà thôi. Người phụ nữ vẫn tham gia vào các sinh hoạt trong Hội Thánh  và có tiếng nói trong Hội Thánh: Họ đóng góp ý kiến, họ làm chứng ơn phước Chúa cho, họ nêu thắc mắc hay góp ý trong các buổi học Kinh Thánh v.v…

Cần xác định cho rõ: Người phụ nữ không được phép giảng dạy trong Hội Thánh, tức là trong một buổi nhóm họp thờ phượng Chúa có sự hiện diện của những người đàn ông. Nhưng người phụ nữ có thể giảng dạy Lời Chúa cho các em thiếu nhi tronh Hội Thánh trong các lớp học riêng từng lứa tuổi. Chúng ta biết rõ người phụ nữ làm công tác dạy Kinh Thánh cho thiếu nhi tốt hơn nam giới.

2. Lý do người phụ nữ không được phép dạy hay cầm quyền trên người nam.

Kinh Thánh cho chúng ta biết người phụ nữ không được phép giảng dạy hay cầm quyền trên người đàn ông, Lời Chúa cũng nêu ra lý do tại sao có sự giới hạn đó, chúng ta đọc tiếp câu 13 và 14:

(for) A-đam được dựng nên trước nhất, rồi mới tới Ê-va. Lại không phải A-đam bị dỗ dành, bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi.” (I Ti-mô-thê 2:13,14)

Chúng ta ghi nhận có hai nguyên do như sau:

a. A-đam được dựng nên trước nhất:

- Đức Chúa Trời không dựng nên A-đam và Ê-va cùng một lúc, nhưng dựng nên A-đam trước rồi mới đến Ê-va.

- Đức Chúa Trời không tạo nên Ê-va giống như cách mà Ngài đã tạo nên A-đam: Ngài không dùng bụi đất để tạo ra Ê-va nhưng lấy xương và thịt của A-đam để tạo ra Ê-va. Ê-va được tạo dựng từ A-đam (Sáng Thế Ký 2:21,22).

- Đức Chúa Trời tạo nên Ê-va như một người giúp đỡ cho A-đam (Sáng Thế Ký 2:18 chép: “Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ (helper) giống như nó”)

Như vậy, theo thứ tự của sự sáng tạo, A-đam được dựng nên trước, Ê-va ra từ A-đam, và vai trò của Ê-va là người giúp đỡ cho A-đam. Xin chú ý, Ê-va là người giúp đỡ (helper) A-đam chứ không phải làm chủ (master) A-đam.

Chúng ta thấy Đức Chúa Trời không muốn nguời phụ nữ giảng dạy và cầm quyền trên người đàn ông (trong gia đình cũng như trong Hội Thánh) không phải vì người phụ nữ thấp hèn hơn người đàn ông, cũng không phải họ kém thông minh hơn người đàn ông, nhưng vì Đức Chúa Trời chỉ định vai trò hay vị trí của người phụ nữ là để giúp đỡ người nam chứ không phải cầm quyền trên người nam.

b. Ê-va bị lừa dối (deceive) mà phạm tội:

Phao-lô đưa ra lý do thứ hai: Người phụ nữ đầu tiên bị lừa dối bởi Sa-tan (Sa-tan mượn hình thể con rắn). Đành rằng A-đam và Ê-va cùng ăn trái cây Chúa cấm ăn, nhưng Chúa cho biết Ê-va trực tiếp bị khuất phục bởi sự lừa dối của Sa-tan chứ không phải A-đam. Ê-va trò chuyện với con rắn (Sa-tan) chứ không phải A-đam, và cũng chính Ê-va đưa tay hái trái cây cấm và ăn trước chứ không phải A-đam. “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn.” (Sáng Thế Ký 3:6)

Chính sự không vâng lời của Ê-va đã đưa đến hậu quả người nữ sẽ phải chịu phục tùng người nam trong Hội Thánh nói chung và người vợ phải phục tùng người chồng trong gia đình, đó là quy định của Đức Chúa Trời: “Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén; ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con; sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi.” (Sáng Thế Ký 3:16).

Như vậy, Đức Chúa Trời không muốn người phụ nữ dạy dỗ hay cầm quyền trên người nam vì người nam được tạo dựng trước người nữ và vì người nữ phạm tội trước người nam. Hai lý do đó không có liên quan gì đến phong tục xã hội (trọng nam khinh nữ), cũng không liên quan gì đến trình độ học vấn hay sự giáo dục của người phụ nữ đương thời, chính vì thế mà sự nghiêm cấm không phải chỉ dành cho một số Hội Thánh địa phương nào đó hay chỉ có giới hạn trong khoảng thời gian nào đó, nhưng có giá trị cho tất cả Hội Thánh thuộc mọi thời đại.

3. Người phụ nữ có được phép giảng dạy những phụ nữ khác không?

Tít 2:3-5 cho thấy người phụ nữ được quyền dạy những phụ nữ khác, đặc biệt là dạy những phụ nữ trẻ:

“Các bà cao tuổi cũng vậy… phải lấy điều khôn ngoan dạy bảo; phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình, có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào.”

Chúng ta thấy người phụ nữ được Chúa dùng qua nhiều công tác khác nhau để gây dựng Hội Thánh, nhưng chúng ta cũng thấy Đức Chúa Trời có đặt một giới hạn cho người Phụ nữ mà họ không được phép vượt qua giới hạn đó, ấy là dạy Lời Chúa trong Hội Thánh và cầm quyền trên người đàn ông trong gia đình cũng như trong Hội Thánh.

4. Những Ý kiến chấp thuận cho người phụ nữ giảng dạy trong Hội Thánh:

Sau đây là những ý kiến chấp nhận cho người phụ nữ được quyền giảng dạy trong Hội Thánh. Tiếp theo là phần nhận xét của tác giả về ý kiến vừa nêu.

1. I Ti-mô-thê 2:11,12 chỉ giới hạn trong gia đình:

Có một số người chấp nhận sự giảng dạy của phụ nữ trong Hội Thánh.  Những người nầy cho rằng I Ti-mô-thê 2:11,12 chỉ giới hạn trong gia đình mà thôi chứ không áp dụng trong Hội Thánh, tức là người vợ không được phép dạy hay cầm quyền trên người chồng trong gia đình riêng của họ, nhưng được quyền giảng dạy hay cầm quyền trong Hội Thánh.

Nhận xét:

Theo nguyên ngữ Hy-lạp, từ “đàn ông” trong câu “Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ônglà “aner”, từ nầy gồm 2 nghĩa: 1/ Chỉ về người chồng (husband); 2/ Chỉ về người đàn ông (man) nói chung. Để xác định nghĩa nào đúng, chúng ta dựa vào văn mạch, I Ti-mô-thê 2:8-10 chép: “Vậy, ta muốn những người đàn ông (aner) đều giơ tay thánh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận dữ và cãi cọ.  Ta cũng muốn rằng những người đàn bà ăn mặc một cách gọn ghẽ, lấy nết na và đức hạnh giồi mình, không dùng những tóc gióc, vàng, châu ngọc và áo quần quí giá, nhưng dùng việc lành, theo lẽ đang nhiên của người đàn bà tin kính Chúa.” Căn cứ vào văn mạch, chúng ta xác định aner chỉ về người đàn ôngnói chungchứ không phải chỉ về người chồng, vì Phao-lô đang đề cập đến người đàn ông và người đàn bà theo ý nghĩa tổng quát chứ ông không đề cập đến chồngvợ. Vì không phải chỉ có người chồng mới giơ tay cầu nguyện mà chỉ về tất cả đàn ông; cũng không phải chỉ có người vợ nên ăn mặc gọn ghẽ, trao dồi đức hạnh mà tất cả người phụ nữ.

Vậy, I Ti-mô-thê 2:11,12 áp dụng chung cho người phụ nữnam giới trong sinh hoạt cộng đồng, (bao gồm cả vợ và chồng) chứ không phải chỉ áp dụng cho vợ chồng trong gia đình mà thôi.

2. Không có sự phân biệt giữa người nam và nữ trong Hội Thánh của Chúa.

Một số người khác chấp nhận vai trò giảng dạy của ngườ phụ nữ trong Hội Thánh, họ nói rằng, trong Đấng Christ, không còn có sự phân biệt nam nữ, tất cả mọi giới đều ngang hàng với nhau, căn cứ vào Ga-la-ti 3:26-28: “Vì anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con cái của Đức Chúa Trời. Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy. Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.”

Nhận xét:

Ý nghĩa của Ga-la-ti 3:26-28 không phải là sự hướng dẫn cho sự sinh hoạt giảng dạy trong Hội Thánh. Phần Kinh Thánh trên không có ý dạy rằng trong Chúa Jesus, không còn sự phân biệt giữa nam nữ nên người phụ nữ hay nam giới đều có quyền giảng dạy ngang nhau. Ga-la-ti 3:26-28 nói về sự cứu rỗi trong Chúa Jesus: Sự cứu rỗi là ân sủng Đức Chúa Trời ban cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt nào hết, đọc trọn câu sẽ thấy chẳng những không phân biệt “đàn ông hoặc đàn bà” mà còn không phân biệt “người tôi mọi hoặc người tự chủ”. Lẽ đạo cứu rỗi nầy cũng được nhắc lại trong Cô-lô-se 3:11: “Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ; nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.”. Người nam và người nữ đều hiệp làm một trong Chúa Jesus. Như vậy, Chúng ta không thể dùng quan điểm thần học nầy để biện minh cho sự cầm quyền hay dạy dỗ của người phụ nữ trong Hội Thánh (trên người đàn ông).

3. Bối cảnh xã hội của Hội Thánh Ê-phê-sô trong thế kỷ thứ nhất.

Một số người cho rằng Phao-lô viết II Ti-mô-thê 2:11,12 cho Ti-mô-thê, là mục sư tại Hội Thánh Ê-phê-sô. Thời ấy tại thành phố Ê-phê-sô, có đền thờ Artemis khá nổi tiếng, nhiều phụ nữ trong thành phố dược quyền phục vụ trong đền thờ và thờ lạy tà thần, cho nên Phao-lô không cho phép người phụ nữ giảng dạy trong Hội Thánh để tránh gây vấp phạm. Lời dạy của Phao-lô chỉ áp dụng tại Hội Thánh Ê-phê-sô vào thời đó chứ không áp dụng cho các Hội Thánh ngày nay.

Nhận xét:

Ý kiến trên rất khó chấp nhận và hoàn toàn không đặt trên nền tảng Kinh Thánh. Không có chổ nào trong thư Ti-mô-thê đề cập đến sự thờ tà thần Artemis, và Phao-lô cũng không nói vì sự thờ lạy tà thần Artemis mà ông không cho phép phụ nữ giảng dạy trong Hội Thánh. Lý do người phụ nữ không được phép giảng dạy hay cầm quyền trên người nam là vì người nam được dựng nên trước và người nữ bởi người nam mà có; và vì người nữ chìu theo sự cám dỗ của Sa-tan, chứ không liên quan gì đến bối cảnh xã hội của Hội Thánh Ê-phê-sô. Đúng là có những người phụ nữ không tin Chúa, họ thờ lạy trong đền thờ Artemis, nhưng điều nầy  không liên quan gì đến sự sinh hoạt thờ phượng Chúa trong Hội Thánh Ê-phê-sô.

4. Bê-rít-sin (Priscilla) là mẫu người phụ nữ giảng dạy người nam.

Một số người nêu trường hợp Bê-rít-sin (Priscilla), là một phụ nữ đã dạy cho A-bô-lô hiểu rõ hơn về Kinh Thánh trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26: “Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh Thánh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kĩ càng những điều về Đức Chúa Jêsus, dẫu người chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn-dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kĩ lưỡng hơn nữa.”

Những người chấp nhận người phụ nữ giảng dạy trong Hội Thánh lý luận rằng: nếu bà Bê-rít-sin đã từng giảng dạy Kinh Thánh cho người đàn ông là A-bô-lô thì người phụ nữ hôm nay cũng có quyền giảng dạy Kinh Thánh trên người nam. Hơn nữa, tên của bà Bê-rít-sin luôn được đặt trước tên của chồng bà là A-qui-la (Aquila), điều nầy cho thấy vị trí nổi bậc của Bê-rít sin.

Nhận xét:

Nếu nghiên cứu kỹ các câu Kinh Thánh có liên quan đến Bê-rít-sin, chúng ta ghi nhận một số yếu tố sau:

+ Tên hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin luôn gắn liền nhau, điều nầy chứng tỏ hai vợ chồng cùng hiệp nhau hầu việc Chúa. Tân Ước đề cập đến hai vợ chồng tất cả sáu lần: Ba lần tên chồng kể trước tên bà (A-qui-la đặt trước Bê-rít-sin): Công Vụ các Sứ Đồ 18:2; 18:26 (Bản KJV) và I Cô-rinh-tô 16:19. Ba lần tên bà đặt trước tên chồng (Bê-rít-sin trước A-qui-la): Công Vụ Các Sứ Đồ 18:18; Rô-ma 16:3 và II Ti-mô-thê 4:19. Như vậy, không phải tên bà đặt trước tên chồng trong tất cả các lần Kinh Thánh nhắc đến.

+ Việc tên người vợ được kể trước tên người chồng khiến nhiều người ngạc nhiên, vì tên người vợ đặt trước tên chồng là điều không thông thường trong thời bấy giờ. Tuy nhiên, không phải vì tên bà Bê-rít-sin được kể  trước tên chồng mà chúng ta có quyền cho rằng Bê-rít-sin nắm quyền trên A-qui-la, để rồi kết luận người phụ nữ có quyền trên người đàn ông trong Hội Thánh. Trong một số trường hợp, tên Bê-rít-sin được kể trước A-qui-la có thể là do sự đóng góp công sức của bà trong Hội Thánh có thể vượt hơn chồng bà trong thời điểm đó, hoặc có thể bà đóng góp công lao nhiều hơn chồng vì công tác đó thích hợp với người phụ nữ hơn. Có ý kiến cho rằng tên của Bê-rít-sin đặt trước tên chồng có thể do bà xuất thân từ dòng dõi quý phái La-mã (tên Priscilla có nguồn gốc là Prisca, là tên dòng quý tộc La-mã).

+ Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26 nêu trên, theo bản Kinh Thánh Anh ngữ KJV, là bản dịch đáng tin cậy hơn hết, thì tên “A-qui-la” đặt trước “Bê-rít-sin”: “And he (Apollos) began to speak boldly in the synagogue. Whom when Aquila and Priscilla had heard, they took him unto them, and expounded unto him the way of God more perfectly.” (Acts 18:26). Tên người chồng đặt trước chứng minh rằng A-qui-la là người chính thức và có quyền dạy A-bô-lô chứ không phải Bê-rít-sin. Chúng ta có thể nói Bê-rít-sin đã cộng tác với chồng mình để giúp A-bô-lô hiểu rõ hơn về Kinh Thánh. Hơn nữa, chúng ta còn thấy A-qui-la và Bê-rít-sin dạy Kinh Thánh cho A-bô-lô tại nhà riêng chứ không phải trong buổi nhóm hội chúng. Như vậy, chúng ta không thể căn cứ vào câu chuyện A-qui-la và Bê-rít-sin đã từng dạy Kinh Thánh cho A-bô-lô để kết luận rằng người phụ nữ được quyền giảng dạy Kinh Thánh trong buổi nhóm thờ phượng Chúa tại Hội Thánh.

5. Tinh thần phục vụ Chúa của phụ nữ.

Nhiều người lý luận rằng: Có nhiều phụ nữ tham gia tích cực mọi công tác trong Hội Thánh, họ hầu việc Chúa với sự hy sinh và lòng tận tụy rất đáng phục. Vậy, tại sao chúng ta lại cấm người phụ nữ giảng dạy Kinh Thánh?

Nhận xét:

Chúng ta công nhận có nhiều phụ nữ phục vụ Chúa trong Hội Thánh rất tốt, thậm chí còn hơn cả người nam trong một số trường hợp. Trên thực tế, đã có những trường hợp người phụ nữ đứng trước Hội Thánh giảng Kinh Thánh, và được nhiều nữ cũng như người nam ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là: Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời có cho phép họ làm như vậy không, chứ không phải là công việc đó có được nhiều người ủng hộ không; hoặc: Lời Chúa có cho phép họ giảng dạy không chứ không phải họ giảng dạy có tốt không.

4. Kết luận:

Tân Ước nêu tên nhiều người phụ nữ đã tận tụy, sốt sắng phục vụ Chúa, chúng ta có thể liệt kê: Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, Su-xan-nơ (Lu-ca 8:2,3) là nững phụ nữ giúp của cải vật chất cho Chúa Jesus trong khi Ngài thi hành chức vụ; Đô-ca (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36) là phụ nữ tin Chúa tại thành Giốp-bê, bà làm nhiều việc phước thiện và dâng hiến tiền bạc giúp đỡ các tín hữu khác; Ly-đi (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:14) là một phụ nữ khá giả, đã mở cửa nhà mình cho Phao-lô và Ti-mô-thê ở trọ trong lúc hai ông hầu việc Chúa tại thành Phi-líp; Bốn người con gái của Phi-líp được ân tứ nói tiên tri (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:8,9); Ti-mô-thê được nuôi dưỡng và được giáo dục bởi người mẹ tin kính Chúa là Ơ-nít (II Ti-mô-thê 1:5); Phê-bê (Rô-ma 16:1) là nữ chấp sự tại Hội Thánh Xen-cơ-rê; Ê-vô-đi và Sin-ti-cơ là hai phụ nữ hết lòng bênh vực cho Tin Lành (Phi-líp 4:2,3) v.v…

Chúng ta không thể chối cãi có rất nhiều phụ nữ được Chúa kêu gọi phục vụ Ngài từ khi Hội Thánh được thành lập được ký thuật trong Công Vụ Các Sứ Đồ cho đến ngày nay, sự phục vụ của họ đã mang nhiều kết quả cho Hội Thánh và làm vinh hiển danh Chúa. Chúng ta cần lưu ý, sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng như các thư tín đều không nêu ra bất cứ trường hợp nào người phụ nữ làm chức vụ mục sư (pastor) hay giữ công tác giảng dạy trong Hội Thánh. Chúa Jesus không hề chọn một phụ nữ nào trong nhóm mười hai sứ đồ của Ngài. Như vậy, người phụ nữ không cần thiết phải được giao cho công tác giảng dạy trong Hội Thánh, vì Đức Chúa Trời đã giao công tác đó cho người nam. Hội Thánh có nhiều công việc khác nhau mà người phụ nữ có thể làm để phục vụ Chúa mà không cần phải giảng dạy.

Nhiều hệ phái Tin Lành ngày nay công nhận cho phụ nữ được quyền giảng dạy Kinh Thánh trong buổi thờ phượng có những người nam, vì thế, nhiều người phụ nữ được đào tạo trong trường thần học để trở thành mục sư. Con số nữ mục sư không nhiều nhưng chắc chắn sẽ có khuynh hướng gia tăng trong những năm sắp đến. Trong sinh hoạt Hội Thánh ngày nay, chức vụ mục sư được xem là chức vụ lãnh đạo và chuyên giảng dạy Kinh Thánh cho hội chúng, mà hội chúng bao gồm nhiều người nam. Như vậy, một số hệ thống tổ chức của giáo hội ngày nay đã làm điều trái với sự giáo huấn trong Tân Ước.

Tháng 10, năm 2013