Nhận xét về các bộ phim về Kinh Thánh

                                                                  Trần Đình Tâm

 

Trong lãnh vực điện ảnh, các nhà làm phim từng cho ra đời thể loại phim về đức tin Cơ-đốc, trong số các phim thuộc thể loại Cơ-đốc, phải kể đến những bộ phim được dàn dựng dựa trên các câu chuyện trong Kinh Thánh. Nếu bỏ qua những phim được sản xuất đặc biệt dành cho lứa tuổi trẻ em, chúng ta có thể kể ra một số phim như: Samson and Delilah (1984); Moses (1995); The Prince of Egypt (1998); The Nativity Story (2006); One Night with the King (2006); The Book of Esther (2013); The Boof of Daniel (2013); The Bible (2013, phim truyền hình nhiều tập); Exodus: Gods and Kings (2014); Noah (2014) v.v… Đặc biệt, phải kể đến loạt phim mang nội dung về cuộc đời của Chúa Jesus: Jesus of Nazareth (1977); Jesus (1999, phim truyền hình); The Last Temptation of Christ (1988); The Passion of The Christ (2004); Son of Man (2005); Killing Jesus (2015); Risen (2016) v.v…

 

 

Các bộ phim về Kinh Thánh có phản ảnh tính trung thực theo Kinh Thánh?

Tất cả những bộ phim trên được dàn dựng công phu bởi nhiều kỷ xảo điện ảnh như sử dụng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phương pháp phối cảnh, trang phục chọn lọc v.v… cùng với sự tham gia diển xuất của các diển viên nổi tiếng, đã khiến nhiều bộ phim gây xúc động và để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Một số bộ phim được các nhà sản xuất, các nhà quảng cáo đánh giá là khá thành công về mặt doanh thu, vì được đa số khán giả tán thưởng. Tuy nhiên, đối với con cái Chúa, là những người tin Chúa Jesus và đã được học biết về các câu chuyện Kinh Thánh trong phần Cựu Ước, cũng như cuộc đời của Chúa Jesus qua bốn sách Tin Lành, chúng ta đánh giá như thế nào về các bộ phim được dàn dựng theo sự tích Kinh Thánh?

Chúng tôi cho rằng, là Cơ-đốc nhân, chúng ta cần phải biết đánh giá thể loại phim được sản xuất dựa vào cốt truyện Kinh Thánh. Chúng tôi xin nêu lên một số nhận xét sau:

Chúng ta đã biết cốt truyện của bộ phim được thành lập căn cứ vào cốt truyện trong Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời. Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, có nghĩa là những diễn biến, những tình tiết, những biến cố, những lời đối thoại của các nhân vật v.v… được ghi chép trong Kinh Thánh là những điều thật sự đã xãy ra, là những gì được Đức Chúa Trời tể trị và được Ngài chọn lọc, Ngài cho phép xãy ra theo cách đó, và được ghi chép lại để ban cho chúng ta. Do đó, những nhà làm phim không được phép thay đổi những gì đã được ghi chép trong Kinh Thánh, vì “Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời. Tùy theo mạng lịnh Chúa, các điều đó còn vững đến ngày nay; Vì muôn vật đều hầu việc Chúa.” (Thi Thiên 119:89,91). Thế mà, hầu hết các nhà làm phim đã loại bỏ, sửa đổi lại những sự kiện hay lời đối thoại đã được ghi chép trong Kinh Thánh. Như vậy, các tình tiết trong bộ phim đã thực sự không phản ảnh đúng với những điều đã được ghi chép, tức là không đúng với lịch sử. Chúng tôi không có ý nói rằng nội dung bộ phim hoàn toàn sai lệch 100% so với Kinh Thánh, nhưng chúng tôi dám quả quyết rằng có đến 90% các sự kiện trong Kinh Thánh đã bị các nhà viết kịch bản phim sửa đổi! Có phim chỉ còn khoảng 5% là sự thật theo Kinh Thánh.

Những nhà làm phim thật sự không tôn trọng thẩm quyền của Kinh Thánh, họ tự ý thay đổi những gì Kinh Thánh đã ghi chép thành văn. Sự tự ý sửa đổi các sự kiện đã được ghi chép trong Kinh Thánh cho thấy thái độ xem thường Kinh Thánh, đồng thời bày tỏ tấm lòng kiêu căng của con người, họ cho mình khôn ngoan hơn, thông minh hơn Đấng tể trị mọi biến cố, mọi chi tiết trong cuộc sống .

Xin chỉ lấy vài phim làm bằng chứng: Phim Killing Jesus có quá nhiều những sự kiện có trong Kinh Thánh đã bị bỏ qua và bị sửa đổi theo một chiều hướng khác: Các bác sĩ đi tìm Chúa giáng sanh không bởi ngôi sao của Chúa dẫn đường nhưng bởi thuật chiêm tinh (xem sao); không có thiên sứ báo tin cho Giô-sép dẫn Chúa Jesus trốn qua Ai-cập để tránh sự sát hại của Hê-rốt; cách Chúa Jesus đuổi quỉ rất khác thường; nhiều chi tiết trong câu chuyện Chúa Jesus đối diện với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội tà dâm bị bỏ qua; thập tự giá của Chúa Jesus không ở chính giữa hai cây thập tự của hai tên tội phạm, nhưng ở ngoài bìa v.v… Phim con tàu Noah có đến 95% cốt truyện là hư cấu, nhà làm phim đã tha hồ cắt xén Kinh Thánh, bóp méo các sự kiện trong Kinh Thánh, và tự ý sáng tác cốt truyện tùy theo sức tưởng tượng của họ, đến nỗi nó trở thành bộ phim giả tưởng (fiction) hơn là phim Kinh Thánh vì phim chứa đầy dẫy những tình tiết hoang đường, lệch lạc khỏi chân lý trong Kinh Thánh, đến nỗi một đầy tớ Chúa đã nhận xét: “... đây là một bộ phim của Sa-tan!”, lời nhận xét đó có thể làm người nghe khó chịu, nhưng không phải là không có lý. Điều đáng buồn là có trang web Cơ-đốc quảng bá cho bộ phim nầy. Các phim khác như Exodus, Son of God, Risen v.v… đầy dẫy những cảnh do con người tạo ra và lồng vào cốt truyện Kinh Thánh, rất nhiều chi tiết được ghi chép trong Kinh Thánh thì bị loại bỏ hoàn toàn, hoặc các chi tiết bị sửa đổi theo ý của nhà làm phim. Chúng tôi không muốn liệt kê ra tất cả các chi tiết trong Kinh Thánh bị bỏ qua và sửa đổi vì quá dài!

Chúng ta có thể chấp nhận nhà làm phim về Kinh Thánh thêm vào các sự kiện không có trong Kinh Thánh nhằm mục đích thực hiện một bộ phim có cốt truyện hoàn chỉnh, nhưng chúng ta không thể chấp nhận nhà làm phim sửa đổi và loại bỏ những gì đã được Kinh Thánh ghi chép.

Tại sao trong phim có quá nhiều tình tiết không có trong Kinh Thánh?

Chúng ta biết phần nhiều những câu chuyện trong Kinh Thánh không được ghi chép một cách trọn vẹn tất cả mọi chi tiết của cốt truyện từ khởi đầu cho đến kết thúc, cũng như không ghi chép đầy đủ tất cả các lời đối thoại, nhưng Kinh Thánh chỉ ghi lại một số các các chi tiết hay một vài lời thoại mà thôi. Như vậy, những thông tin Kinh Thánh cung cấp thì không đủ cho các nhà phàm phim để hoàn thành một bộ phim có độ dài khoảng 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ. Do đó, các nhà làm phim, với trình độ chuyên môn trong ngành điện ảnh, buộc phải dựng thêm các tình huống, các chi tiết và các lời thoại ... để tạo thành một câu chuyện phim với những tình tiết đan quyện vào nhau, có khởi đầu và cũng có kết thúc sao cho hợp lý. Với mục đích và ý nghĩa của ngành điện ảnh như thế, chúng ta chấp nhận các nhà làm phim thêm vào câu chuyện Kinh Thánh một số các chi tiết, các tình huống, các lời thoại chỉ với mục đích tạo nên tính liên quan và gắn kết lẫn nhau giữa các tình huống trong phim. Các tình tiết hay lời thoại được bổ sung vào trong phim phải tôn trọng nội dung chính yếu của cốt truyện Kinh Thánhvà tôn trọng ý nghĩa của cốt truyện mà Chúa muốn bày tỏ cho con người, nếu không tuân thủ, những phần thêm vào sẽ hướng dẫn khán giả đến những suy diễn lệch lạc với tín lý và hệ thống thần học hàm chứa trong toàn bộ Kinh Thánh. Nến nhớ rằng hầu hết các bộ phim Kinh Thánh, các tình tiết không có trong Kinh Thánh chiếm hết 90% thời lượng phim. Do đó, một khán giả không hiểu rõ về Kinh Thánh, sẽ rất dễ bị lôi cuốn vào những tình tiết hấp dẫn trong phim mà cho rằng đó là lịch sử Kinh Thánh, nhưng thật ra đó sản phẩm của trí tưởng tượng của nhà làm phim.

Bộ phim “The Passion of The Christ” (Nỗi Thống Khổ của Chúa Jesus) là một ví dụ. Đây là bộ phim để lại rất nhiều cảm xúc cho người xem, bộ phim đã từng gây nên “cơn sốt” trong giới Cơ-đốc giáo trong năm 2004, phim được đa số tín đồ Công Giáo cũng như Tin Lành đánh giá cao. Đạo diễn phim là Mel Gibson, một tín đồ Công Giáo La-mã, ông đã thêm vào phim nhiều tình huống có sự hiện diện của bà Ma-ri, tất cả các phần thêm vào đều không có trong Kinh Thánh, nhưng điều quan trọng là sự xuất hiện của Ma-ri nhiều lần trong phim nhằm mục đích tôn cao hình ảnh của Ma-ri trong mắt khán giả, nhằm hổ trợ cho giáo lý sự cứu rỗi không chỉ bởi công lao chuộc tội của Chúa Jesus, nhưng cần có sự đồng công của Ma-ri. Những người xem phim nầy và cẩn thận đối chiếu phim với Kinh Thánh, sẽ nhận ra ý đồ của đạo diễn.

Trong phim “Nỗi thống khổ của Chúa Jesus” còn chứa đầy dẫy những tình tiết không có trong Kinh Thánh. Một số tình tiết thêm vào đượm màu sắc huyền bí, không thích hợp cho một bộ phim lịch sử, xin kể một vài cảnh: Giu-đa gặp con sư tử rống vồ lấy ông sau khi ông phản Chúa; những đứa trẻ liên tục trêu ghẹo, nhiếc móc Giu-đa Ích-ca-ri-ốt; hình ảnh một nhân vật đóng vai Sa-tan xuất hiện nhiều lần; Ma-ri lấy khăn lau máu của Chúa Jesus chảy lênh láng trên nền sân; một cô gái trao cái khăn cho Chúa Jesus thấm máu trên mặt rồi sau đó cô gái hôn cái khăn; tại thời điểm Chúa tắt thở, có một giọt nước từ trên trời rơi xuống gần chân thập tự giá tạo nên cơn động đất; khi tên lính La-mã đâm ngọn giáo vào sườn Chúa Jesus, thì nước phun ra từng tia như mưa trên những người đứng chung quanh v.v…

Ngoài những chi tiết “thần thánh” được thêm vào phim nêu trên, nhà đạo diễn phim còn sửa đổi nhiều chi tiết đã được ghi chép trong Kinh Thánh: Có quá nhiều người hiện diện trong phiên xét xử Chúa ban đêm tại nhà Cai-phe, kể cả nhiều phụ nữ trong đó có Ma-ri; Phi-e-rơ chối Chúa trong khung cảnh nhiều người vây quanh mà không có trường hợp nào ông chối Chúa lúc ngồi sưởi ấm bên đám lửa ngoài sân như Kinh Thánh nói; cơn động đất làm sụp đổ nhiều phần trong đền thờ là không đúng, trong khi một sự kiện rất quan trọng lại bị bỏ qua: không có cảnh bức màn trong đền thờ bị xé làm hai từ trên xuống dưới v.v... Bộ phim có quá nhiều cảnh bạo lực không cần thiết, hoặc quá mức cần thiết nên trở thành vô lý: Chúa Jesus bị trói bởi dây xích quá lớn; Chúa bị ném xuống cầu rồi bị kéo lên bởi sợi xích; nhà đạo diễn đã cố ý dàn dựng cảnh Chúa Jesus bị đánh đòn rất dã man nhằm mục đích gây cảm xúc mạnh cho khán giả, có thể nói cảnh Chúa bị lính La-mã đánh đòn không còn là cảnh phạm nhân bị đánh đòn thông thường, nhưng là một cảnh tra tấn thì đúng hơn. Trên thực tế, nếu đánh bằng loại roi có đính các móc sắt thì thân thể của phạm nhân sẽ tan nát, thịt văng tứ tung, và chắn chắn sẽ chết tại chỗ vì mất máu, hoặc không thể nào ngồi lên được nữa. Tuy nhiên trong phim, chúng ta thấy Chúa vẫn còn có thể đứng lên, thậm chí còn vác thập tự được! Đó là điều vô lý của phim. Thêm một chi tiết vô lý khác: Lúc Chúa bị đóng đinh, lính La-mã lấy dây cột hai tay Chúa rồi kéo căng hai tay ra thật mạnh, sao cho bàn tay của Chúa trùng với cái dấu đã vẽ sẵn trên thập tự để đóng đinh đúng vào chổ đó! Chưa hết, sau khi đóng đinh xong, họ lật ngược thập tự giá lại, toàn thân phía trước của Chúa bị đập xuống mặt đất rất mạnh vì phải chịu thêm sức nặng của thập tự giá sau lưng! Họ làm như vậy chỉ để đóng quặp lại đầu nhọn của cây đinh phía bên kia thập giá, tất cả những chi tiết không cần thiết trên và nhiều chi tiết khác được thêm vào nhằm mục đích khiến người xem cảm nhận mức độ tột bậc nỗi thống khổ của Chúa Jesus.

Chúng ta nên nhớ rằng, đức tin của Chúng ta đặt trên Kinh Thánh, chứ không phải đặt trên cảm xúc do phim ảnh của Hollywood đem lại. Khi chúng ta làm chứng về Tin Lành cho người chưa tin, chúng ta nên chia xẻ với họ những gì Kinh Thánh nói về Chúa Jesus, nên tránh giới thiệu những bộ phim về Chúa Jesus cho họ xem. Phao-lô nói rõ: “đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17)

Tại sao Kinh Thánh không ghi chép thật đầy đủ mọi chi tiết của một câu chuyện?  

Như đã trình bày ở trên, đa số câu chuyện trong Kinh Thánh không hội đủ các tình tiết cho các nhà sản xuất phim, nhất là nhà đạo diễn phim rất cần càng nhiều tình tiết ly kì, hấp dẫn càng tốt để lôi cuốn khán giả. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu mục đích của Kinh Thánh là gì? II Ti-mô-thê 3:16 cho biết rõ mục đích của Kinh Thánh: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” Hay dịch cách khác: “Cả Kinh Thánh đều bởi Đức  Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ (teaching), khiển trách (rebuking), sửa trị (correcting) và huấn luyện (training) người trong sự công bình.” Như vậy, mục đích của Kinh Thánh là để dạy dỗ chúng ta, giúp chúng ta biết được những gì Chúa muốn chúng ta làm và sống như thế nào; khiển trách chúng ta mỗi khi chúng ta lầm lỡ, sai phạm để chúng ta ăn năn; sửa trị nhằm giúp chúng ta biết sửa đổi lại bản thân mình, bỏ lối sống cũ không đẹp lòng Chúa mà bước đi cách mới mẻ trong thánh ý Chúa; huấn luyện nhằm trang bị cho chúng ta để sẵn sàng trong sự phục vụ Chúa. Như vậy, Đức Chúa Trời có thẩm quyền chọn những sự kiện nào đó vì mục đích truyền đạt chân lý cho con người và Ngài bỏ qua những sự kiện khác.

Kinh Thánh được viết ra nhằm mục đích đem đến những lợi ích thuộc linh cho con người chứ không phải được viết ra để cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà sản xuất phim!

Con cái Chúa có nên xem phim về Kinh Thánh do Hollywood sản xuất?

Tất nhiên, không có gì sai trái khi con cái Chúa xem các phim dàn dựng theo câu chuyện trong Kinh Thánh. Dù sao, xem các phim thể loại nầy còn tốt hơn và ích lợi hơn là xem các thể loại phim khác. Tuy nhiên, xin lưu ý một vài điều sau đây:

+ Nếu muốn hiểu biết về Kinh Thánh, thì không có cách gì tốt hơn là học hỏi và suy gẫm cẩn thận chính quyển Kinh Thánh. Những ai không đọc Kinh Thánh sẽ không thể hiểu đúng Kinh Thánh bằng cách chỉ xem bộ phim Kinh Thánh. Xem phim về Kinh Thánh mà không đọc Kinh Thánh chắc chắn sẽ hiểu sai Kinh Thánh. Phim về Kinh Thánh không phải là Kinh Thánh.

+ Xem phim Kinh Thánh có thể học biết được một số lợi ích liên quan đến xã hội trong thời Kinh Thánh như: Trang phục; phong tục tập quán; kiến trúc; phong cảnh; nếp sinh hoạt hằng ngày v.v... Nhưng phải cẩn thận, đừng tin tưởng hoàn toàn những gì diễn ra trên màn ảnh, vì mỗi bộ phim có thể cung cấp những thông tin khác nhau dù nội dung phim có cùng bối cảnh hay cùng thời đại.

+ Cần đọc và học cẩn thận câu chuyện Kinh Thánh trước khi xem phim về câu chuyện đó. Điều nầy sẽ giúp chúng ta không bị lôi cuốn và tin tưởng vào những tình huống bịa đặt trong phim.

Tháng 7, 2017

tamtran1561@yahoo.com