Sau-lơ và người đàn bà cầu hồn Sa-mu-ên

                                                                    Trần Đình Tâm

 

Sách I Sa-mu-ên chương 28 ký thuật câu chuyện vua Sau-lơ, vị vua đầu tiên của dân tộc Y-sơ-ra-ên, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, ông đã tìm đến người đàn bà hành nghề cầu vong, yêu cầu bà nầy gọi hồn Sa-mu-ên, là tiên tri của Đức Chúa Trời đã qua đời, trở về trần gian để ông xin sự hướng dẫn trong cơn nguy biến.

Sơ lược bối cảnh:

Sa-mu-ên là người xức dầu cho Sau-lơ làm vua theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Sa-mu-ên là vị quan xét cuối cùng của dân Y-sơ-ra-ên và cũng là tiên tri đầu tiên của Đức Chúa Trời trong thời kỳ quân chủ. Do đó, Sa-mu-ên có ảnh hưởng lớn đối với Sau-lơ vì qua Sa-mu-ên, Sau-lơ biết được ý muốn của Đức Chúa Trời.

Trong thời trị vì của Sau-lơ, ông thường xuyên tranh chiến với dân Phi-li-tin: “Trọn đời Sau-lơ có sự tranh chiến dữ dội cùng dân Phi-li-tin. Hễ khi Sau-lơ thấy người mạnh mẽ và bạo dạn, thì chiêu mộ người theo mình ” (I Sa-mu-ên 14:52).

I Sa-mu-ên chương 28 tường thuật sự kiện dân Phi-li-tin họp lại thành đạo binh rất đông để chuẩn bị đánh dân Y-sơ-ra-ên. Về phía Y-sơ-ra-ên, vua Sau-lơ cũng tập hợp binh lính để đối phó với quân Phi-li-tin. Tuy nhiên, khi nhìn thấy đạo quân của Phi-li-tin quá đông, Sau-lơ sợ hãi, bèn cầu khẩn Đức Giê-hô-va, nhưng ông không nhận được bất cứ sự đáp lời nào từ Chúa: “Người cầu vấn Đức Giê-hô-va; song Đức Giê-hô-va không đáp lời, hoặc bằng chiêm bao, hoặc bằng u-rim, hay là bởi các đấng tiên tri.” (Câu 6). Sau đó, ông quyết định tìm đến một người đàn bà làm nghề cầu vong để nhờ bà nầy cầu hồn Sa-mu-ên về (vì Sa-mu-ên đã chết), với mục đích được gặp Sa-mu-ên và tìm cầu sự chỉ dạy của Sa-mu-ên.

“Sau-lơ nói cùng các tôi tớ mình rằng: Hãy kiếm cho ta một người đàn bà biết cầu vong; ta sẽ đi đến người mà cầu vấn. Các tôi tớ thưa rằng: Tại Ên-đô-rơ có một người đàn bà cầu vong.” (câu 7)

“Bấy giờ, người đàn bà nói: Tôi phải cầu ai trước mặt ông? Sau-lơ đáp: Hãy cầu Sa-mu-ên. Khi người đàn bà thấy Sa-mu-ên, bèn la tiếng lớn nói cùng Sau-lơ rằng: Cớ sao ông gạt tôi? Ông là Sau-lơ! Vua đáp cùng người rằng: Chớ sợ; nhưng ngươi thấy chi? Người đáp: Tôi thấy một vì thần ở dưới đất lên. Vua hỏi: Mặt mày ra sao? Người đáp: Ấy là một ông già ở dưới lên, mặc một cái áo tơi. Sau-lơ hiểu là Sa-mu-ên, bèn cúi đầu, sấp mình xuống đất và lạy.” (câu 11-14)

Nghi vấn chủ yếu trong câu chuyện nầy là: Có phải Sa-mu-ên thật sự đã hiện ra nói chuyện cùng Sau-lơ?

Vì Kinh Thánh chỉ ghi chép câu chuyện thật đã xãy ra một cách khách quan mà không có lời bình luận hay nhận xét gì về sự hiện ra của Sa-mu-ên, do đó có ít nhất 3 cách giải thích như sau:

Trước hết, một số người cho rằng không phải Sa-mu-ên hiện ra; cũng không phải ma quỉ giả dạng Sa-mu-ên hiện ra, nhưng do bà cầu vong đóng kịch, dựng chuyện, vì Sau-lơ không tận mắt nhìn thấy Sa-mu-ên, và chỉ nói chuyện với Sa-mu-ên qua trung gian người đàn bà.

Sự lừa gạt của những người hành nghề cầu vong như thế có thể xãy ra trong thực tế, nhưng nếu chúng ta chú ý đến tình tiết của câu chuyện, và nhất là câu chuyện được KINH THÁNH, là Lời của Đức Chúa Trời ghi lại, chúng ta có thể đoan chắc người đàn bà nầy không đóng kịch. Như vậy, cách giải thích trên được loại bỏ.

Còn 2 quan điểm khác, được các nhà giải kinh nêu lên sau đây mà chắc chắn một trong hai kết luận phải đúng, kết luận còn lại phải sai:

1) Sa-mu-ên thật sự đã xuất hiện, do Đức Chúa Trời cho phép.

2) Không phải Sa-mu-ên thật, nhưng là sự lừa dối của Sa-tan.

Đầu tiên, chúng ta khảo sát cách giải thích thứ nhất:

1. Sa-mu-ên thật đã hiện ra:

Những người tin Sa-mu-ên thật đã hiện ra căn cứ vào những bằng chứng sau:

a) Dáng vẽ bên ngoài của Sa-mu-ên giống với lúc ông còn sống:

 Câu 14 chép: “Vua hỏi: Mặt mày ra sao? Người đáp: Ấy là một ông già ở dưới lên, mặc một cái áo tơi. Sau-lơ hiểu là Sa-mu-ên, bèn cúi đầu, sấp mình xuống đất và lạy.”. Theo lời mô tả của bà cầu vong, Sau-lơ biết rõ đó chính là Sa-mu-ên. Ông đã từng thấy Sa-mu-ên mặc áo tơi (I Sa-mu-ên 15;27).

b) Cuộc đối thoại giữa Sa-mu-ên và Sau-lơ:

Câu 15-19 là cuộc đối thoại giữa Sa-mu-ên và Sau-lơ, nội dung cuộc đối thoại cho thấy rất phù hợp với hoàn cảnh Sau-lơ; đặc biệt những câu nói của Sa-mu-ên rất hợp lý và rất nghiêm minh, khiến chúng ta không thể cho rằng đó không phải là Sa-mu-ên. Sau đây là những lời đối đáp của Sa-mu-ên cho Sau-lơ:

- “Nhân sao ngươi quấy rầy sự yên tịnh của ta mà gọi ta lên?” (câu 15)

- “Nhân sao ngươi cầu vấn ta, bởi vì Đức Giê-hô-va đã lìa khỏi ngươi và trở nên thù nghịch ngươi?” (câu 16)

- “Đức Giê-hô-va đoạt lấy nước khỏi tay ngươi mà ban cho kẻ lân cận ngươi là Đa-vít.” (câu 17)

- “Ngươi không vâng theo lời phán của Đức Giê-hô-va và không làm cho A-ma-léc cảm biết cơn giận phừng của Ngài; vì cớ đó nên ngày nay Đức Giê-hô-va đãi ngươi cách nầy.” (câu 18)

c) Lời báo trước của Sa-mu-ên về cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than:

Câu 19 chép: “Vả lại, Đức Giê-hô-va sẽ phó Y-sơ-ra-ên và ngươi vào tay dân Phi-li-tin. Ngày mai ngươi và các con trai ngươi sẽ ở một nơi với ta. Đức Giê-hô-va cũng sẽ phó đạo binh Y-sơ-ra-ên vào tay dân Phi-li-tin.”  Lời tiên báo của Sa-mu-ên được ứng nghiệm. Chương 31 cho thấy dân Y-sơ-ra-ên bị đạo quân Phi-li-tin đánh bại, Sau-lơ và Giô-na-than, là con trai của Sau-lơ cả hai đều bị chết trong chiến trận.

Tóm lại, qua các bằng chứng nêu trên, những người theo quan điểm trên cho rằng, dù việc cầu vong là điều Chúa nghiêm cấm trong luật pháp Môi-se (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:9-12), nhưng đây là trường hợp đặc biệt, duy nhất trong Kinh thánh, Đức Chúa Trời cho phép linh hồn của Sa-mu-ên trở lại để nói cho Sau-lơ biết ý định của Ngài.

2. Không phải Sa-mu-ên.

Chúng tôi tin rằng hình ảnh Sa-mu-ên mà bà cầu vong nhìn thấy, và những lời mà Sa-mu-ên nói qua trung gian bà cầu vong không thật sự là của Sa-mu-ên vì những lý do sau đây:

a) Những người đã chết không thể nào trở lại trần gian:

Những câu Kinh Thánh sau đây khẳng định rằng linh hồn của những người qua đời sẽ đi đến một nơi Đức Chúa Trời chỉ định, và được định không thể trở lại trần gian hay sống lang thang, vất vưởng đây đó trên trần gian như nhiều người lầm tưởng:

Gióp 7:9,10: “Mây tan ra và đi mất thể nào, kẻ xuống âm phủ không hề trở lên, cũng thể ấy. Họ không hề
trở về nhà mình nữa, Và xứ sở người chẳng còn biết người
.”

Gióp 10:21: “Trước khi tôi đi đến xứ tối tăm và bóng sự chết, không hề trở lại.”

Gióp 16:22: “Vì ít số năm còn phải đến, rồi tôi sẽ đi con đường mà tôi chẳng hề trở lại.”

II Sa-mu-ên 12:23: “Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó nhưng nó không trở lại cùng ta.”

Thử đặt câu hỏi: Liệu Đức Chúa Trời có cho phép linh hồn người chết trở về trong một trường hợp đặc biệt nào đó chăng, như trường hợp của Sa-mu-ên? Không có một câu Kinh Thánh nào hổ trợ cho ý tưởng nầy! Chúa có cần thiết phải cho phép người chết trở về để dạy dỗ người đang sống?! Hơn nữa, Chúa có thể nào cộng tác với một người đàn bà cầu vong để cho phép linh hồn Sa-mu-ên trở về trần gian?!

b) Luật pháp Môi-se cấm cầu vong:

Cầu vong (necromancer) hay cầu hồn là một trong những thói tục của các dân tộc ngoại bang thờ tà thần mà Đức Chúa Trời nghiêm cấm dân sự của Ngài tham dự:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:9-12: “Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho; chớ tập bắt chước những sự gớm ghiếc của các dân tộc ở tại đó. Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong; vì Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc kẻ làm các việc ấy, và vì các sự gớm ghiếc ấy, nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đuổi các dân tộc đó khỏi trước mặt ngươi.”

Lê-vi Ký 19:31: “Các ngươi chớ cầu đồng cốt (necromancer) hay là thầy bói; chớ hỏi chúng nó, e vì chúng nó mà các ngươi phải bị ô uế: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.”

Đức Chúa Trời không thể tự mâu thuẩn với chính Ngài. Ngài không thể cho phép dân của Ngài can dự vào điều mà Ngài đã nghiêm cấm. Ngài không thể cho phép Sa-mu-ên hiện về qua trung gian bà cầu vong mà chính Ngài cấm dân sự tham dự vào việc cầu vong.

Tiên tri Ê-sai dạy cho dân sự: “Nếu có ai bảo các ngươi: Hãy cầu hỏi đồng bóng và thầy bói, là kẻ nói ríu rít líu lo, thì hãy đáp rằng: Một dân tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao? Há lại vì người sống mà hỏi kẻ chết sao?(Ê-sai 8:19), bài học từ Ê-sai thật rõ ràng: Dân sự của Chúa muốn hiểu biết một vấn đề nào đó, họ phải cầu hỏi Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ phán dạy họ qua cách của Ngài, chứ không được phép đi hỏi những người đã chết. Đành rằng Sau-lơ đã có cầu hỏi Chúa, nhưng không được Chúa trả lời; Chúa không trả lời vì ông đã không vâng lời Chúa, Sa-mu-ên khi còn sống, có nói cho Sau-lơ biết rằng Chúa đã từ bỏ Sau-lơ: “Bởi ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng từ bỏ ngươi không cho ngươi làm vua.” (I Sa-mu-ên 15:23). Như vậy, Chúa không đáp lời cầu hỏi của Sau-lơ vì Ngài đã từ bỏ ông, thì không có lý do gì Chúa kêu Sa-mu-ên đã chết trở về để truyền dạy cho Sau-lơ.  

3. Chúng ta giải thích thế nào về câu chuyện người đàn bà cầu hồn Sa-mu-ên?

Đức Chúa Trời nhiêm cấm dân của Ngài tham dự vào việc cầu hồn vì đó là một hoạt động liên quan đến công việc của ma quỉ. Đành rằng trong trong thực tế, có trường hợp người hành nghề cầu vong dàn cảnh, đóng kịch để lường gạt những khách hàng nhẹ nhạ; loại trừ trường hợp dàn cảnh đó ra, thì những người hành nghề cầu hồn chuyên nghiệp đều ở dưới sự điều khiển của ma quỉ. Công việc của ma quỉ rất đa dạng và ma quỉ thuộc thế giới vô hình, nên con người rất dễ bị ma quỉ đánh lừa. Một trong những hoạt động nguy hiểm nhất của ma quỉ là nhập vào con người, điều khiển hành vi và tâm trí của người đó, lúc ấy ma quỉ sẽ nói qua con người mà nó đang chiếm hữu. Đó chính là trường hợp của người đàn bà cầu hồn Sa-mu-ên.

Những gì Sa-mu-ên nói rất hợp lý, chúng ta giải thích như thế nào?

Như đã trình bày bên trên, những gì mà Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rất chính đáng, có thể khiến chúng ta không dám cho rằng đó là những lời lẽ của ma quỉ. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng ma quỉ là các linh phạm tội, đang hoạt động không ngừng nghỉ chung quanh chúng ta, chúng theo dõi tất cả mọi hoạt động của con người. Do đó, ma quỉ biết rõ về Sau-lơ qua những sự kiện sau đây trong cuộc đời của ông ngay trước khi ông đến gặp người đàn bà cầu vong:

- Ma quỉ biết rõ Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ làm vua Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 10:1).

- Ma quỉ biết rõ sau đó, Sa-mu-ên xức dầu cho Đa-vít làm vua thế cho Sau-lơ (I Sa-mu-ên 16:12,13)

- Ma quỉ biết rõ nhiều lần Thần của Đức Chúa Trời lìa khỏi Sau-lơ và ông bị một ác thần nhập vào khuấy khuất ông, dằn vặt ông (I Sa-mu-ên 16:14,23; 19:9)

- Ma-quỉ biết rõ Sau-lơ đã phạm một số tội quan trọng: Sau-lơ tự ý dâng của lễ thiêu (I Sa-mu-ên 13:8-12);
Sau-lơ không vâng lời Chúa nhưng giữ lại các vật tốt của kẻ thù trong trận đánh thắng dân A-ma-léc (I sa-mu-ên
9); Sau-lơ ra lệnh giết 85 thầy lễ của Chúa (I Sa-mu-ên 22:17,18); Suýt chút nữa Sau-lơ giết chết Giô-na-than
bởi một quyết định vội vàng, nông nỗi của chính ông (I Sa-mu-ên 14:44).

- Ma quỉ biết rõ Đức Chúa Trời từ bỏ Sau-lơ và chọn Đa-vít (I Sa-mu-ên 13:14; 15:23)

- Ma quỉ biết rõ đạo quân Phi-li-tin đang chuẩn bị tấn công dân Y-sơ-ra-ên (I sa-mu-ên 28:4)

Chúng ta thấy rõ, với tất cả những thông tin mà ma quỉ đã biết được về Sau-lơ như trên, ma quỉ chỉ cần “kể lại” cho Sau-lơ nghe những gì ma quỉ đã biết rồi mà thôi!

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 16 có ghi lại câu chuyện có ý tương tự: “Một ngày kia, chúng ta đi cầu nguyện, gặp một đứa đầy tớ gái bị quỉ Phi-tôn ám vào, hay bói khoa, làm lợi lớn cho chủ nó. Nó theo Phao-lô và chúng ta, mà kêu la rằng: Những người đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, rao truyền cho các ngươi đạo cứu rỗi. Trong nhiều ngày nó cứ làm vậy, nhưng Phao-lô lấy làm cực lòng, xây lại nói cùng quỉ rằng: Ta nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ mà truyền mầy ra khỏi người đàn bà nầy. Chính giờ đó, quỉ liền ra khỏi.” (câu 16-18). Câu nói “Những người đó là đầy tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, rao truyền cho các ngươi đạo cứu rỗi” do miệng cô gái nóiranghe rất thích đáng và hợp lẽ, nhưng chính ma quỉ đã nói những lời lẽ như vậy chứ không phải cô gái nói!

Chúng ta giải thích thế nào về lời báo trước cái chết của Sau-lơ và những người con trong chiến trận?

Chúng ta nên nhớ rằng chỉ có Đức Chúa Trời biết rõ tương lai của con người mà thôi. Ma quỉ chỉ là loài thọ tạo (thiên sứ pham tội) nên không có khả năng nhìn xuyên thấu tương lai như Đức Chúa Trời, tuy nhiên, với tầm hoạt động rộng khắp cùng với hàng ngàn năm kinh nghiệm, ma quỉ có thể dự đoán gần đúng một số sự việc sẽ xãy ra, nhưng bị giới hạn trong khoảng tương lai gần mà thôi. Trong câu chuyện Sau-lơ, ma quỉ biết rõ lúc nào quân Phi-li-tin tấn công Y-sơ-ra-ên (ngày hôm sau), ma quỉ biết Y-sơ-ra-ên sẽ thất bại trong trận chiến vì biết Đức Chúa Trời đã từ bỏ Sau-lơ, do đó, không có gì khó khăn để ma quỉ dự đoán Sau-lơ và con của ông sẽ chết nơi chiến trường.

Trở lại câu chuyện cô gái bị quỷ ám trong Công Vụ Các Sứ Đồ chương 16, ma quỉ đã dự đoán đúng một số trường hợp, chúng ta biết chắc điều ấy vì cô gái bị quỉ ám là nguồn lợi nhuận cho chủ của cô (câu 16,19).

4. Kết luận:

Cách giải thích tốt nhất là kết luận rằng không phải Sa-mu-ên hiện về nhưng là công việc của ma quỉ, giải thích như vậy sẽ giúp con cái Chúa hoàn toàn tuyệt đối không tham dự vào các hoạt động cầu vong và những việc khác giống như vậy. Hãy giả định rằng đây là trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời cho phép Sa-mu-ên hiện về, [Nhưng căn cứ vào đâu để khẳng định rằng đây là trường duy nhất Chúa cho phép?], thì biết đâu được, sẽ có một lúc nào đó, một con cái Chúa trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó (ví dụ có người thân yêu qua đời, mất tích …), vì quá đau buồn, mong ước thấy lại hình ảnh của người thân yêu, có cái ý nghĩ rằng … “biết đâu, Chúa cho phép người thân yêu của mình trở lại trần gian gặp mình, như Sa-mu-ên vậy!” qua một hình thức cầu hồn nào đó!

Tháng 6, 2017

tamtran1561@yahoo.com