TẠI SAO KHÔNG CÓ CHỨC SỨ ĐỒ TRONG HỘI THÁNH NGÀY NAY?

Trần Đình Tâm

 

1. ý nghĩa của chức Sứ Đồ.

Sứ Đồ (apostle), Hy văn: apostolos, có nghĩa là người được sai đi (to send away, send forth). Sứ Đồ chỉ về một người được sai phái đi để thực hiện một công tác được ủy thác cho. Chúng ta biết được ý nghĩa nầy qua các câu Kinh Thánh sau:

a) Chúa Jesus được kể là Sứ đồ:

“Bởi cớ đó, hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy kỹ đến sứ giả (apostle) và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Jêsus.”
(Hê-bơ-rơ 3:1)

[Sứ giả (apostle) trong câu trên nên dịch là Sứ đồ, vì cùng một từ ngữ “apostle” lại được dịch là “Sứ đồ” trong các câu chỉ về 12 vị Sứ đồ của Chúa Jesus]

Chúa Jesus được gọi là Sứ Đồ vì Ngài được Đức Chúa Cha sai phái đến thế gian để thực hiện công tác chuộc tội cho nhân loại:

“Vì ta từ trên trời xuống, chẳng phải để làm theo ý ta, nhưng làm theo ý Đấng đã sai ta đến” (Giăng 6:38);

“Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian.”  (I Giăng 4:14).

b) Mười hai Sứ Đồ của Chúa Jesus:

“Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ.” (Lu-ca 6:13)

“Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jêsus sai đi … Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói …” (Ma-thi-ơ 10:5, 16)

“Đức Chúa Jêsus nhóm họp mười hai sứ đồ, ban quyền năng phép tắc để trị quỉ chữa bịnh. Rồi Ngài sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh.” (Lu-ca 9:1,2)

Mười hai người được Chúa Jesus chọn và sai đi thi hành công tác rao giảng nước Đức Chúa Trời, nên họ được gọi là Sứ đồ.

c) Phao-lô là Sứ đồ:

    “Phao-lô, tôi tớ Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời.”
    (Rô-ma 1:1)

Phao-lô được Chúa Jesus hiện ra và kêu gọi ông là Sứ đồ, ông là người được Chúa sai đi giảng Tin Lành cho dân ngoại.

d) Ba-na-ba là Sứ đồ:

     “Nhưng hai sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô hay điều đó …” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:14)

Ba-na-ba được gọi là Sứ đồ vì ông được Đức Thánh Linh sai đi truyền giảng Tin Lành cho thế giới: “Đang khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng: hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Vậy, Sau-lơ và Ba-na-ba đã chịu Đức Thánh Linh sai đi, bèn xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíp-rơ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2,4)

Tóm lại, người được Chúa sai đi đến một nơi nào đó, để rao giảng Tin Lành cho dân cư vùng đó và thành lập Hội Thánh tại địa phương đó, được kể là Sứ đồ vậy.

2. Có chức Sứ Đồ trong Hội Thánh ngày nay không?

Nhiều người cho rằng chức Sứ Đồ không có trong Hội Thánh ngày nay, vì chức nầy không còn cần thiết nữa. Quan điểm nầy dựa vào các lập luận sau đây:

a) Lập luận thứ nhất: Quan điểm nầy đặt nền tảng trên câu chuyện Sứ Đồ Phi-e-rơ nêu ra tiêu chuẩn để bầu chọn một Sứ Đồ thay thế cho Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt: “Vậy, nội những kẻ đã theo cùng chúng ta trọn lúc Đức Chúa Jêsus đi lại giữa chúng ta, từ khi Giăng làm phép báp-tem cho đến ngày Ngài được cất lên khỏi giữa chúng ta, phải có một người làm chứng cùng chúng ta về sự Ngài sống lại. Môn đồ cử ra hai người: Giô-sép tức là Ba-sa-ba, cũng gọi là Giúc-tu, và Ma-thia, rồi cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, Ngài biết lòng mọi người, xin tỏ ra cho chúng tôi nội hai người nầy ai là người Chúa đã chọn, đặng dự vào chức vụ sứ đồ, thay vì Giu-đa đã bỏ đặng đi nơi của nó. Đoạn bắt thăm, trúng nhằm Ma-thia; người bèn được bổ vào mười một sứ đồ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:21-26). Tiêu chuẩn để chọn một Sứ Đồ, theo ý của Phi-e-rơ, là người phải có đủ 2 điều kiện sau: 1/ Là người đã cùng với các Sứ Đồ, đi theo Chúa Jesus trong suốt thời gian Chúa thi hành chức vụ, tức là từ lúc Giăng Báp-tít làm Báp-têm cho Chúa Jesus cho đến lúc Chúa Jesus thăng thiên; 2/ Người đó thấy Chúa Jesus phục sinh. Có 2 vị hội đủ các điều kiện trên: Ba-na-ba và Ma-thia, sau khi bắt thăm, Ma-thia được chọn.

Quan điểm trên cho rằng kể từ thời điểm Chúa Jesus thăng thiên cho đến ngày nay, không còn ai hội đủ 2 điều kiện do Phi-e-rơ nêu ra, nên không còn ai thi hành chức Sứ Đồ nữa.

Nhận xét:

Hai điều kiện bình chọn chức vụ Sứ Đồ phát xuất từ nếp suy nghĩ của Phi-e-rơ. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ chỉ tường thuật cách khách quan sự kiện Phi-e-rơ đưa ra vấn đề cần phải bầu ra một Sứ Đồ thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, mà không cho biết cuộc bầu cử ấy được Chúa chỉ định hay không. Để biết đó có phải là ý của Chúa hay chỉ là ý riêng của Phi-e-rơ thì cần phải so sánh với các phần Kinh Thánh khác, và dùng Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh (Xin đọc bài “Vị Sứ Đồ nào thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt” trong mục Giải Đáp Thắc Mắc). Chúng ta biết Phao-lô được chính Chúa Jesus kêu gọi làm Sứ Đồ (sau khi Chúa thăng thiên). Sau khi Chúa sống lại và tiếp tục ở trên đất suốt 40 ngày, chúng ta biết Chúa Jesus không chọn ai, Chúa Jesus đã không chọn Ma-thia. [Ma-thia được chọn bởi sự bắt thăm của con người, cho dù con người đã có cầu nguyện trước khi bắt thăm, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải biết rõ đó có phải là sự chỉ định của Chúa hay không]

Một vấn đề khó giải quyết nếu dựa theo lập luận trên: Không phải chỉ có Ma-thia là hội đủ 2 điều kiện do Phi-e-rơ nêu ra, nhưng còn có Giô-sép Ba-sa-ba nữa (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:23). Như vậy, Giô-sép Ba-sa-ba cũng xứng đáng được gọi là Sứ Đồ (nếu theo điều kiện do Phi-e-rơ đưa ra), thế nhưng, ông đã không được kể là Sứ Đồ vì … lá thăm không trúng nhằm tên ông!

Phao-lô thực sự là Sứ đồ mà không do bất cứ ai bầu ra, nhưng do chính Chúa Jesus lựa chọn và kêu gọi ông.

Như vậy, chúng ta không thể dùng 2 điều kiện do Phi-e-rơ đưa ra để kết luận rằng chức vụ Sứ Đồ ngày nay đã hết hiệu lực.

 b) Lập luận thứ hai: Quan điểm nầy cho rằng chỉ có 12 vị được gọi là Sứ đồ, vì được Chúa Jesus trực tiếp lựa chọn, họ được Chúa ban cho quyền làm phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ; một số trong 12 vị nầy là trước giả của vài sách trong Kinh Thánh Tân Ước. Ngoài 12 vị Sứ đồ ấy ra, chỉ còn Phao-lô là được Chúa kêu gọi cách đặc biệt sau khi Ngài thăng thiên. Ngoài những vị nầy ra, không ai “xứng đáng” được gọi là Sứ đồ nữa.

Nhận xét:

Sau khi Chúa thăng thiên, ngoại trừ Phao-lô là Sứ đồ, Kinh Thánh cho biết Ba-na-ba cũng là một Sứ Đồ trong thời Hội Thánh đầu tiên: “Nhưng hai sứ đồ là Ba-na-ba và Phao-lô … ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:14. Xin đọc thêm 14:3-5 để thấy rõ Ba-na-ba là Sứ đồ). Ngoài Ba-na-ba là Sứ Đồ, Rô-ma 16:7 cho biết An-trô-ni-cơ (Andronicus) và Giu-ni-a (Junia) cũng là các Sứ-đồ. Si-la (Silas) là người cộng tác với Phao-lô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai, được gọi là Sứ đồ (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:25,40; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6)

Hội Thánh đầu tiên đã còn chức Sứ đồ thì không có lý do gì Hội Thánh ngày nay không còn chức Sứ đồ!

Vấn đề là tại sao chức Sứ đồ không được công khai nêu lên trong Hội Thánh ngày nay? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của những người lãnh đạo các hệ phái Tin Lành, là những người có thẩm quyền cao nhất trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh.

c) Lập luận thứ ba: Quan điểm nầy cho rằng chức Sứ đồ liên quan đến quyền trước tác Kinh Thánh Tân Ước:

“Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà.” (Ê-phê-sô 2:20)

“Hầu cho ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và Cứu Chúa chúng ta, đã cậy các sứ đồ của anh em mà truyền lại. (II Phi-e-rơ 3:2)

Căn cứ vào hai câu trên, nhiều người cho rằng Đức Chúa Trời đã soi dẫn các Sứ đồ do Chúa Jesus chọn lựa để viết Kinh Thánh Tân Ước. Sau khi Tân Ước đã hoàn tất, chức Sứ đồ không còn cần thiết nữa. Không ai được quyền nhận mình là Sứ Đồ, và cũng không ai được quyền tuyên bố người nào khác là Sứ Đồ.

Nhận xét:

Đúng là các Sứ Đồ được Chúa soi dẫn để viết Tân Ước, nhưng chúng ta nên nhớ rằng không phải tất cả các Sứ Đồ được Chúa dùng để trước tác Tân Ước, chỉ có 3 vị là Ma-thi-ơ, Giăng và Phi-e-rơ, còn Phao-lô được chọn viết các thư tín sau khi Chúa về trời. Tuy nhiên, không phải chỉ có Sứ Đồ được Chúa dùng để viết Kinh Thánh, Đức Chúa Trời cũng dùng những người không phải là Sứ Đồ để viết Tân Ước như: Mác, Lu-ca, Gia-cơ và Giu-đe. Như vậy, quan điểm cho rằng ngày nay không còn chức Sứ đồ nữa vì Kinh Thánh đã hoàn tất thì khó có thể chấp nhận được.

Dù Kinh Thánh đã hoàn tất, nhưng không có nghĩa là chức Sứ Đồ đã chấm dứt, vì như đã giải thích bên trên, từ ngữ “Sứ Đồ” (apostolos) có nghĩa được sai đi để rao giảng Tin Lành, chứ không có nghĩa là người trước tác Kinh Thánh.

Tóm lại, có chức Sứ Đồ trong Hội Thánh ngày nay không? Kinh Thánh khẳng định là có chức Sứ Đồ:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.”  (I Cô-rinh-tô 12:28)

“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ (tức Hội Thánh)(Ê-phê-sô 4:11,12)

Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, Hội Thánh có chức Sứ Đồ chứ không phải không còn nữa như nhiều người ngày nay lầm tưởng. Và theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chức Sứ Đồ cũng được phân biệt rõ ràng với các chức khác như Mục sư, Giáo Sư, Tiên tri, Thầy Giảng Tin Lành v.v… Tất nhiên, tất cả chúng ta điều đồng ý rằng sự mạc khải của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh đã hoàn tất, không một ai có quyền thêm vào Kinh Thánh bất cứ giáo lý nào nữa.

Chúng ta biết có một số Mục Sư được Chúa sai phái đi đến một nơi nào đó để rao giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh tại địa phương đó, vị Mục sư đó thật đang thi hành chức Sứ Đồ. Hội Thánh ngày nay thường dùng từ ngữ “giáo sĩ” để chỉ chức vụ của vị Mục sư đó. Tuy nhiên, từ ngữ “giáo sĩ” lại không hề có trong Kinh Thánh. Có thể các tổ chức Hội Thánh ngày nay gọi chức giáo sĩ (hay “Mục sư Giáo sĩ”) thay cho “Thầy giảng Tin Lành” (evangelist) mà Phao-lô liệt kê trong Ê-phê-sô 4:11,12 để chỉ về những vị Mục sư được gửi ra ngoại quốc, giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh tại nơi đó (?). Nếu đúng như vậy thì nan đề cũng không thay đổi và cũng chưa được giải quyết: chức Sứ đồ cũng đã bị bỏ qua. Kinh Thánh cho biết rõ ràng: Phao-lô, Ba-na-ba, Si-la, An-trô-ni-cơ … là những Sứ đồ (Apostle) chứ không phải Mục sư.

Tại sao chúng ta không thấy chức Sứ Đồ được nói đến và được công nhận cách công khai trong Hội Thánh ngày nay như đáng phải có theo sự hướng dẫn của Kinh Thánh? Thật dễ dàng nhận thấy trên thực tế, đặc biệt trong công tác giảng dạy Lời Chúa, Hội Thánh ngày nay quá chú trọng đến chức Mục Sư, còn các chức vụ khác có liên quan đến công tác giảng dạy Kinh Thánh, như chức Sứ Đồ, chức Tiên Tri, chức Giáo Sư và chức Thầy Giảng Tin Lành (hay Giáo sĩ) được liệt kê trong Ê-phê-sô 4:11,12 thì không được nhắc đến, hoặc nếu có nhắc đến thì cũng bị đặt ở vị trí thấp kém hơn!

3. Sự khác biệt giữa chức Sứ Đồ do Chúa Jesus chọn lựa và ơn kêu gọi làm Sứ Đồ của Đức Thánh Linh.

Có sự khác nhau giữa chức Sứ Đồ do chính Chúa Jesus kêu gọi so với chức Sứ Đồ là ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho. Nói cho dễ hiểu, là có hai “loại” Sứ Đồ khác nhau, căn cứ vào 2 giai đoạn:

1/ Các Sứ Đồ được chính Chúa Jesus trực tiếp chọn lựa khi Ngài còn trên mặt đất, gồm 12 Sứ Đồ (Ma-thi-ơ 10:1,2). Các Sứ Đồ nầy được Chúa Jesus ban cho quyền phép chửa bệnh, đuổi quỷ. Một số vị trong các Sứ Đồ nầy được Chúa soi dẫn để trước tác Kinh Thánh Tân Ước như Ma-thi-ơ, Phi-e-rơ, Giăng. Sau khi Chúa Jesus thăng thiên, chính Chúa Jesus đã hiện ra cho Phao-lô và kêu gọi ông làm Sứ Đồ (I Cô-rinh-tô 15:8), và chính Phao-lô cũng khẳng định chức sứ đồ của ông là được chính Chúa kêu gọi và chọn lựa: Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời, tức là Cha.” (Ga-la-ti 1:1. Xin đọc thêm I Cô-rinh-tô 9:1). Như vậy, Phao-lô, chứ không phải Ma-thia, xứng đáng là người thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Phao-lô được chúa soi dẫn để viết 13 Thư Tín trong Tân Ước. Phao-lô đứng trong nhóm các sứ đồ của Chiên Con (Khải Huyền 21:14) vì được chính Chúa Jesus lựa chọn. Chúa Jesus phán với các Sứ Đồ của Ngài rằng: "Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả." (Giăng 15:16)

2/ Sau khi Đức Thánh Linh được ban xuống và Hội Thánh được thành lập, có các Sứ Đồ không phải do Chúa Jesus trực tiếp chọn lựa, chức Sứ Đồ trong trường hợp nầy phải được kể là một trong các ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho những người tin với mục đích mở mang và gây dựng Hội Thánh:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội thánh, thứ nhứt là Sứ Đồ, thứ nhì là đấng tiên tri, thứ ba là thầy giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng.” (I Cô-rinh-tô 12:28)

"Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm Sứ Đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ." (Ê-phê-sô 4:11,12).

“Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.” (I Cô-rinh-tô 12:11)

Sứ đồ Ba-na-ba, An-trô-ni-cơ, Giu-ni-a, Si-la … thuộc trong nhóm Sứ đồ nầy.

Xin lưu ý: Một vài Sứ đồ do chính Chúa Jesus kêu gọi, và Sứ đồ Phao-lô được Chúa đặc biệt soi dẫn để trước tác một số sách trong Tân Ước, những gì họ viết ra là Lời của Đức Chúa Trời, được xem là nền tảng cho đức tin của Cơ-đốc nhân ngày nay, như Ê-phê-sô 2:20 và II Phi-e-rơ 3:2 đã bày tỏ. Tuy nhiên,  khi sự mạc khải của Đức Chúa Trời cho con người qua Kinh Thánh được đầy đủ, tức là kể từ khi Kinh Thánh Tân Ước đã hoàn tất, các Sứ đồ trong Hội Thánh đầu tiên cho đến các Sứ đồ trong Hội Thánh sau nầy cũng như tất cả mọi người khác, đều phải rao giảng và tuân giữ các giáo lý trong Kinh Thánh mà không được thêm hay bớt điều gì.

Tóm lại, trong Hội Thánh ngày nay, chắc chắn có nhiều người được Đức Thánh Linh ban ân tứ để phục vụ như là một Sứ Đồ, có thể một vài Mục Sư đã dấn thân vào công tác Sứ Đồ, phục vụ như một Sứ Đồ mà không ai biết. Tuy nhiên, chức Sứ Đồ cần phải được xác định rõ ràng cũng như các chức vụ khác đã được nêu lên trong Ê-phê-sô 4:11. Sự hướng dẫn của Kinh Thánh cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc cho mọi chức vụ rao giảng Lời Chúa trong Hội Thánh mà không có bất kỳ sự thiên kiến nào.

Tháng 3, 2014