Thiên Chúa có phán dạy Cơ-đốc nhân qua chiêm bao?

Trần Đình Tâm

 

Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa có phán dạy hay bày tỏ chương trình của Ngài cho loài người qua chiêm bao. Trước hết, chúng ta cần phân biệt chiêm bao (dream) với khải tượng (vision) dựa trên nền tảng Thánh Kinh: Chiêm bao là những gì Chúa bày tỏ cho con người trong lúc họ ngủ (sleep), còn khải tượng gồm những gì Chúa bày tỏ cho con người trong khi họ thức (awake) [Xin đọc bài “Khải tượng là gì?” để tìm hiểu về khải tượng]

Hầu hết mọi người khi ngủ đều thấy chiêm bao, con cái Chúa cũng thấy chiêm bao. Hầu hết các sự kiện xãy ra trong cơn chiêm bao đều không có ý nghĩa gì cả. Tuy nhiên, theo lời kể của một vài con cái Chúa (số nầy rất ít), họ chiêm bao thấy những hình ảnh hay câu chuyện mà theo họ, nó mang một ý nghĩa đặc biệt và họ tin rằng Thiên Chúa đã phán dạy hay tiết lộ cho họ biết một bài học nào đó. Như vậy, chúng ta buộc phải giải quyết nan đề sau: Ngày nay, Thiên Chúa có phán dạy cho chúng ta qua chiêm bao không?

Chúng ta có câu giải đáp từ Hê-bơ-rơ 1:1,2:

Câu 1: Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách,

Câu 2:Rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài.”

Hê-bơ-rơ 1:1-2 trình bày 2 thời kỳ:

Câu 1: Thời kỳ Cựu Ước. Khởi đầu bởi cụm từ “Đời xưa”

Câu 2: Thời kỳ Ân Điển. Khởi đầu bởi cụm từ “Rồi đến những ngày sau rốt nầy”

1. Hai thời kỳ phân biệt: Cựu Ước và Ân Điển.

Trong thời kỳ Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều cách, hay nhiều phương cách (way) để bày tỏ cho con người biết ý muốn của Ngài, chúng ta ghi nhận những phương cách khác nhau như sau (trong số nầy có chiêm bao): Ngoài cách truyền phán trực tiếp “mặt đối mặt” (Dân Số Ký 12:8), Chúa còn dùng các tiên tri; thiên sứ; U-rim và Thu-mim (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:30; Dân-số-ký 27:21; I Sa-mu-ên 28:6; Nê-hê-mi 7:65); khải tượng; và chiêm bao.

Dân Số Ký 12:6; Gióp 33:15; Giê-rê-mi 23:25 là những phần Kinh Thánh chứng minh Đức Chúa Trời có truyền dạy loài người qua chiêm bao trong thời Cựu Ước:

    “Ngài phán cùng hai người rằng (Mi-ri-am, A-rôn): Hãy nghe rõ lời ta. Nếu trong các ngươi có một tiên tri nào,
   ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra cùng người trong sự hiện thấy, và nói với người trong cơn chiêm bao.”
(Dân Số
   Ký 12:6)

    “Ngài phán trong chiêm bao, trong dị tượng ban đêm, lúc người ta ngủ mê, nằm ngủ trên giường mình.” (Gióp
   33:15)

    “Khi tiên tri nào có chiêm bao, hãy thuật chiêm bao ấy đi; còn kẻ nào đã lãnh lời ta, hãy truyền lại lời ta cách
   trung tín! Đức Giê-hô-va phán: Rơm rạ há xen vào với lúa mì sao?”
(Giê-rê-mi 23:25)

Qua thời kỳ Ân điển, Đức Chúa Trời phán dạy cho con người qua Con Ngài, là Chúa Jesus. Cụm từ “thời kỳ sau rốt” (câu 2) không phải chỉ về thời kỳ Chúa Jesus tái lâm, nhưng chỉ về thời kỳ Chúa Jesus đến với thế giới loài người, mang thân xác loài người (còn gọi là sự nhập thể) để bày tỏ (revelation) về Đức Chúa Trời cho loài người. Giáo lý Chúa Jesus nhập thể (incarnation) được giảng giải ở nhiều phân đoạn như: Lu-ca 2:30-35; Giăng 1:14-18; Phi-líp 2:5-11; Giăng 14:8-11. Sau khi Chúa Jesus hoàn thành sự chuộc tội cho loài người và trở về trời, Đức Thánh Linh được ban xuống và ngự trị trong lòng của tất cả những ai tin nhận Chúa Jesus. Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta hiểu biết mọi lẽ thật về Chúa Jesus được mạc khải trong Kinh Thánh (Giăng 14:26; 15:26; 16:13). Sau khi Kinh Thánh Tân Ước hoàn tất, chúng ta nhận thấy sự phán dạy của Chúa qua chiêm bao không hề được nhắc đến trong tất cả các thư tín. Phao-lô đã khẳng định rõ ràng trong II Ti-mô-thê 3:16,17: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.”. Hãy đọc Kinh Thánh, suy gẫm Kinh Thánh, thuận phục Kinh Thánh, vâng lời Kinh Thánh, Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ cho chúng ta biết điều Chúa muốn phán dạy chúng ta ngày nay.

2. Tại sao Thiên Chúa dùng nhiều cách để phán dạy cho loài người chỉ xãy ra trong thời Cựu Ước?

Chúng ta đã biết Đức Chúa Trời phán dạy cho loài người qua nhiều cách như dùng các tiên tri, thiên sứ, khải tượng, chiêm bao, U-rim và Thu-mim; nhưng tại sao chỉ xãy ra trong thời Cựu Ước mà không tiếp diễn trong thời Ân Điển? Câu trả lời: Do hậu quả của TỘI. A-đam và Ê-va được Chúa dựng nên trong tình trạng vô tội, họ có sự tương giao với Chúa. Nhưng sau khi phạm tội, A-đam và Ê-va bị ngăn cách với Thiên Chúa, mối tương giao của loài người với Thiên Chúa bị đổ vỡ, ông bà đã bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, loài người bị đuổi khỏi sự hiện diện của Chúa. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, không thể tương giao với loài người tội lỗi, nên Chúa chọn những phương cách để “tiếp xúc” với loài người, như là những “trung gian” giữa Chúa và loài người, chỉ xin nêu ra vài trường hợp:

+ Chúa dùng Môi-se như là người trung bảo để truyền dạy cho dân Y-sơ-ra-ên Luật pháp của Chúa: “Đang lúc đó,
   ta (Môi-se) đứng giữa Đức Giê-hô-va và các ngươi, đặng truyền lại lời của Ngài cho các ngươi.”
(Phục Truyền
   Luật Lệ Ký 5:5)

+ Chúa dùng U-rimThu-mim trong vài trường hợp đặc biệt: “Quan tổng trấn cấm chúng ăn những vật chí
  thánh cho đến chừng có một thầy tế lễ dấy lên dùng U-rim và Thu-nim mà cầu hỏi Đức Chúa Trời.”
(Nê-hê-mi
  7:65)

+ Chúa sai thiên sứ Gáp-ri-ên truyền phán cho Đa-ni-ên về chương trình của Chúa trong thời kỳ sau cùng: “vậy
   ta còn nói trong khi cầu nguyện, nầy, Gáp-ri-ên, người mà ta đã thấy trong sự hiện thấy lúc đầu tiên, được sai
   bay mau đến đụng ta độ lúc dâng lễ chiều hôm. Người dạy dỗ ta và nói cùng ta rằng: Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta
   ra để ban sự khôn ngoan và thông sáng cho ngươi.”
(Đa-ni-ên 9:21,22)

+ Chúa sai tiên tri Giô-na cảnh cáo tội lỗi của dân thành Ni-ni-ve: “Có lời Đức Giê-hô-va phán cho Giô-na con trai
   A-mi-tai như vầy: Ngươi khá chổi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng
   nó đã lên thấu trước mặt ta.”
(Giô-na 1:1)

+ Chúa bày tỏ cho Nê-bu-cát-nết-sa về các đế quốc ngoại bang qua chiêm bao: “Trong năm thứ hai đời vua Nê-
   bu-cát-nết-sa, vua thấy chiêm bao, thì trong lòng bối rối và mất giấc ngủ.”
(Đa-ni-ên 2:1)

+ Chúa dùng khải tượng bàn tay viết trên tường để cảnh báo vua Bên-xát-sa: “Chính giờ đó, có những ngón tay
   của bàn tay người hiện ra, viết trên vôi tường cung vua, đối ngay chỗ để chân đèn; và vua trông thấy phần bàn
   tay đó đang viết.”
(Đa-ni-ên 5:5)

Trong thời kỳ Ân Điển, bởi sự chuộc tội của Chúa Jesus cho loài người, mối tương giao giữa người với Thiên Chúa được kết nối, Chúa Jesus là con đường dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời (Giăng 14:6); Chúa Jesus là Đấng Trung Bảo giữa loài người và Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 2:5); Theo Ê-phê-sô 1:3-14, trong Chúa Jesus, chúng ta được hưởng mọi ơn phước thiêng liêng; được cứu chuộc; được tha tội; được nên thánh; được mọi thứ khôn ngoan thông sáng; được biết sự mầu nhiệm của ý muốn Chúa; được dự phần kế nghiệp trong nước Chúa; được ấn chứng bởi Đức Thánh Linh. Như vậy, ngày hôm nay, Đức Chúa Trời không còn chọn lựa những phương cách mà Ngài đã dùng trong thời Cựu Ước, nhưng Ngài bày tỏ qua Chúa Jesus. Do đó, những người tin nhận Chúa Jesus ngày nay không cần phải đi tìm kiếm ý muốn của Chúa qua chiêm bao.

3. Ai được Chúa phán dạy qua chiêm bao?

Thiên Chúa có dùng chiêm bao để phán dạy cho con người trong thời Cựu Ước, tuy nhiên chúng ta nhận thấy phương cách nầy rất hạn chế so với những phương cách khác. Cựu Ươc cho thấy Chúa chọn một số ít người và dùng chiêm bao để bày tỏ chương trình của Ngài hay dùng chiêm bao để đối thoại với họ:

Giô-sép: “Giô-sép có nằm chiêm bao, thuật lại cho các anh mình nghe …” (Sáng Thế Ký 37:5)

Gia-cốp: “Gia-cốp từ Bê-e-Sê-ba đi đến Cha-ran. Người lấy một hòn đá làm gối đầu, và nằm ngủ tại đó; bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó.” (Sáng Thế Ký 28: 8,12)

Vua Sa-lô-môn: “Tại Ga-ba-ôn, lúc ban đêm, Đức Giê-hô-va hiện đến cùng Sa-lô-môn trong cơn chiêm bao, và phán với người rằng: Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi.” (I Các Vua 3:5)

Đức Chúa Trời còn dùng chiêm bao để bày tỏ ý định của Ngài ngay cả đối với những người không thờ phượng Chúa, không kính sợ Chúa (vì họ chưa có kinh nghiệm về Chúa, họ chưa hiểu biết gì về Chúa) như vua Pha-ra-ôn chiêm bao thấy 7 con bò mập đối với 7 con bò gầy ốm; 7 gié lúa chắc đối với 7 gié lúa lép (Sáng Thế Ký 41:1); Nê-bu-cát nết sa chiêm bao thấy pho tượng (Đa-ni-ên 2). Tuy nhiên, những người nầy không hiểu được ý nghĩa của giấc mơ, họ cần đến những người thuộc về Chúa, được Chúa sử dụng để giải nghĩa giấc chiêm bao cho họ: Giô-sép giải nghĩa Chiêm bao của Pha-ra-ôn; Đa-ni-ên giải nghĩa chiêm bao của vua Ba-by-lôn.

Giô-sép, chồng Ma-ri: “Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: …” (Ma-thi-ơ 1:20)

Vợ tổng đốc Phi-lát: “Quan tổng đốc đang ngồi trên tòa án, vợ người sai thưa cùng người rằng: Đừng làm gì đến người công bình đó; vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà đau đớn nhiều trong chiêm bao.” (Ma-thi-ơ 27:29)

Ngoài các nhân vật trên, một số nhân vật khác sau đây cũng được Đức Chúa Trời đối thoại hay truyền dạy một bài học cho họ qua chiêm bao: Vua A-bi-mê-léc (Sáng Thế  Ký 20:3); La-ban (Sáng Thế Ký 31:29); quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pha-ra-ôn (Sáng Thế Ký 40:5); Một người Ma-đi-an (Các Quan Xét 7:13).

Xin lưu ý, trường hợp Giô-sép (chồng Ma-ri) và vợ quan tổng đốc Phi-lát được Chúa phán dạy qua chiêm bao không được kể là xãy ra vào thời kỳ Ân Điển, lúc ấy còn trong thời Kỳ Cựu Ước.

4. Chiêm bao giả dối.

Không phải điềm chiêm bao nào cũng đến từ Đức Chúa Trời. Có một số người chú ý quá đáng đến chiêm bao, nên họ thường bị thu hút bởi việc tìm hiểu ý nghĩa của các giấc chiêm bao. Ma quỷ có thể lợi dụng yếu điểm đó của con người mà dùng những tiên tri giả, giáo sư giả để thuật các chiêm bao không phải đến từ Thiên Chúa nhằm mục đích đánh lừa con dân Chúa, làm cho họ tin vào sự sai lạc mà không biết. Những người nầy còn làm cả công việc giải nghĩa chiêm bao nữa! Kinh Thánh gọi họ là những tiên tri giả dối, họ thuật chiêm bao giả dối và giải nghĩa cách dối trá về chiêm bao. Con cái Chúa ngày nay cần phải cẩn thận đối với những hạng người nầy:      

   “Ta nghe điều những kẻ tiên tri nầy nói, chúng nó nhân danh ta mà nói tiên tri giả dối, rằng: Ta có chiêm
   ba
o; thật, ta có chiêm bao! Những tiên tri ấy, theo sự dối trá của lòng mình mà nói tiên tri, chúng nó có lòng
   ấy cho đến chừng nào?”
(Giê-rê-mi 23:25,26)

   “Đức Giê-hô-va vạn quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, phán như vầy: Chớ để cho các tiên tri ở trong vòng
   các ngươi và các thầy bói lừa dối các ngươi; cũng chớ nghe những điềm chiêm bao mà các ngươi thấy. Vì
   chúng nó nhân danh ta mà nói tiên tri giả dối cho các ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Ta chẳng hề sai chúng nó.”

   (Giê-rê-mi 29:8,9)

    “Vì các thần tượng nói sự hư không, các thầy bói thấy sự dối trá; chúng nó rao chiêm bao phỉnh dối.” (Xa-
   cha-ri 10:2)

5. Tại sao người ta thường ngủ thấy chiêm bao?

Kinh Thánh cho chúng ta nhìn một cách tổng quát, nguyên nhân khiến người ta nằm ngủ thấy chiêm bao:

          “Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao.” (Truyền Đạo 5:3)

Chúng ta đều thấy chiêm bao trong khi ngủ, tình trạng nầy xãy ra từ khi chúng ta còn trẻ tuổi, kéo dài cho đến tuổi già mà cũng chưa chấm dứt! Chúng ta phải thành thật công nhận rằng hầu hết hình ảnh mà chúng ta thấy được trong giấc mơ, bao gồm các sự kiện, các tình tiết, các khung cảnh, các nhân vật, tâm trạng của người nằm chiêm bao v.v… tất cả đều diễn ra rất lộn xộn, không có thứ tự, không có đầu đuôi, mờ ảo, nhập nhằng, bất định … Sau khi thức dậy, chúng ta dễ dàng quên nó đi, vì thật ra nó chẳng có ý nghĩa gì để mà phải nghi nhớ hay suy gẫm.

Những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày là nguyên nhân hình thành nên giấc mơ, nhưng lại được sắp xếp cách lộn xộn, không có mạch lạc. Những nan đề trong cuộc sống hằng ngày làm chúng ta căng thẳng, khiến chúng ta suy tư, lo lắng … đó là những tác nhân khiến chúng ta nằm chiêm bao. Nếu trước khi đi ngủ, chúng ta đối diện với những sự sợ hãi, những cảnh tượng chết chóc kinh hoàng trong cuộc sống, hoặc ngay cả khi chúng ta xem phim kinh dị, hay đọc truyện ma quái … những điều nầy có thể tái hiện vào trong giấc mơ của chúng ta. “Như người đói chiêm bao thấy ăn, mà thức dậy, bụng vẫn trống; như người khát chiêm bao thấy uống, mà thức dậy, nghe trong mình kiệt đi và khát khao.” (Ê-sai 29:8)

Đối với những trường hợp trên, chúng ta không nên bận tâm đặt câu hỏi: Chúa muốn dạy tôi điều gì qua các giấc mơ đó? Chúa không bao giờ phán dạy chúng ta qua các giấc mơ như thế, do đó không nên để mất thì giờ tìm hiểu ý nghĩa giấc chiêm bao hay nhờ một ai khác giải nghĩa chiêm bao của mình. Có rất ít trường hợp con cái Chúa kể lại rằng sự việc xãy ra đúng với giấc chiêm bao họ đã nằm mơ thấy trước đó. Trong trường hợp nầy, cũng đừng vội vàng kết luận rằng Chúa đã dùng chiêm bao để báo cho biết trước việc sẽ xãy ra. Chuyện xãy ra đúng với chiêm bao không có nghĩa là Chúa đã bày tỏ qua giấc mơ, có thể đó chỉ là sự trùng hợp mà thôi. Khi người ta suy nghĩ và lo lắng quá nhiều về một vấn đề nào đó, hậu quả là nằm chiêm bao thấy có liên quan đến chuyện ấy, sau đó, chuyện xãy ra trên thực tế lại phù hợp với giấc mơ. “Đâu có chiêm bao vô số và nhiều lời quá, đó cũng có sự hư không nhiều; song ngươi hãy kính sợ Đức Chúa Trời.” (Truyền Đạo 5:7)

6. Lời giải thích của Phi-e-rơ trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

Ngày nay, có tôn giáo hay hệ phái Tin Lành (Catholic, Pentecost, Charismatic … ) tin rằng một số chiêm bao là đến từ Thiên Chúa. Họ căn cứ vào sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần, và lời trích dẫn của Sứ đồ Phi-e-rơ từ Giô-ên 2:28-32 để chứng minh rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ về ý muốn của Ngài qua chiêm bao trong thời kỳ Ân Điển. Chúng ta hãy đọc lại cẩn thận Công Vụ Các Sứ Đồ 2:15-20:

    “Những người nầy chẳng phải say như các ngươi ngờ đâu, vì bây giờ mới là giờ thứ ba ban ngày. Nhưng ấy là
   điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri rằng: Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, Ta sẽ đổ Thần ta
   khắp trên mọi xác-thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các
   người già cả sẽ có chiêm bao. Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta,
   Chúng nó đều nói lời tiên tri; Ta lại sẽ tỏ ra sự lạ lùng ở trên trời, Và dấu lạ ở dưới đất; Tức là máu, lửa, và
   luồng khói; Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, Mặt trăng hóa ra máu, Trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa
   đến.”
 (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:15-20)

Câu hỏi quan trọng được nêu ra và cần được giải đáp: Có phải Phi-e-rơ trích dẫn Giô-ên 2:28-32 nhằm mục đích chứng tỏ lời tiên tri của Giô-ên được ứng nghiệm hoàn toàn trong ngày Lễ Ngũ Tuần? Nếu điều nầy đúng, thì Cơ-đốc nhân phải chấp nhận Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục phán dạy hay mạc khải về Ngài cho chúng ta qua chiêm bao. 

Chúng ta ghi nhận một số vấn đề như sau:

a) Có phải Giô-ên 2:28-32 là phần Kinh Thánh nói tiên tri về những điều sẽ xãy ra ngay trong ngày Lễ Ngũ Tuần không? Xin trả lời: Không! Giô-ên 2:28-32 và cả sách Giô-ên không phải là lời tiên tri sẽ được ứng nghiệm trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nhưng là lời tiên tri về dân Do Thái trong thời kỳ sau cùng, là lúc Đức Chúa Trời hình phạt dân Do Thái bởi cơn hoạn nạn lớn kéo dài 7 năm. Bởi cơn hoạn nạn, dân Do Thái ăn năn tội và công nhận Chúa Jesus là Đấng mê-si. Sau cơn đại nạn, Chúa Jesus tái lâm trên đất và thành lập Vương Quốc ngàn năm của Ngài.

Chúng ta hãy so sánh những chi tiết trong lời tiên tri của Giô-ên với những gì xãy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần:

                   Thời kỳ sau cùng                                       Lễ Ngũ Tuần

          + Thần của Chúa được đổ trên cả                      + Đức Thánh Linh giáng trên

                    loài xác thịt                                             120 người và sứ đồ

          + Nói tiên tri                                                  + Gió thổi.

          + Thấy khải tượng                                           + Lưỡi như lửa đáp đậu bên trên.   

          + Chiêm bao                                                  + Nói ngoại ngữ.

          + Dấu lạ trên trời và dưới đất:

          Máu, lửa, khói, mặt trời tối tăm,

          mặt trăng hóa máu.

 

Chúng ta thấy rõ, các sự kiện Giô-ên 2:28-32 mô tả khác hẳn với những sự kiện đã xãy ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Những dấu hiệu như: máu, lửa, khói, mặt trời tối tăm, mặt trăng hóa máu … là những dấu hiệu mà Chúa Jesus và sứ đồ Giăng công bố sẽ xãy ra trong thời kỳ sau cùng của thế giới (Ma-thi-ơ 24:29; Khải Huyền 6:12,13). Chỉ có một chi tiết có thể xem là giống nhau: Ấy là Đức Thánh Linh được ban xuống, tuy nhiên, có sự khác biệt là: Trong thời kỳ sau cùng, Đức Thánh Linh được đổ đầy trên mọi loài xác thịt (đây là lời tiên tri về vương quốc ngàn năm được mô tả trong Ê-sai 11:6-10; 65:17-25; Đa-ni-ên 2:44; 7:26-28; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19-21; Khải Huyền 20:1-6); còn trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đức Thánh Linh chỉ được ban xuống trên các sứ đồ và khoảng 120 môn đồ.

b) Xin chú ý rằng Phi-e-rơ không hề tuyên bố lời tiên tri của Giô-ên đã được ứng nghiệm (fulfill) trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên những người đang nhóm, họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và nói ngoại ngữ, dân chúng chung quanh chứng kiến việc nầy và họ lấy làm ngạc nhiên, họ cho rằng các môn đồ của Chúa say rượu. Do đó, Phi-e-rơ trích dẫn Giô-ên nhằm minh họa hay giải thích cho những người hiếu kỳ hiểu những gì họ thấy chính là sự kiện Đức Thánh Linh giáng xuống, là sự kiện đã được tiên tri Giô-ên nói đến. Phi-e-rơ nói: “Những người nầy không phải sau rượu như các ngươi tưởng đâu … nhưng ấy là điều đấng tiên tri Giô-ên đã nói tiên tri rằng …” (câu 15,16). Trước ngày Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ có giảng về sự chết của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, ông nói cái chết của kẻ phản Chúa được ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:16). Nhưng khi trích dẫn Giô-ên, Phi-e-rơ không nói lời tiên tri nầy được ứng nghiệm.

 

Tháng 1, 2016

tamtran1561@yahoo.com