SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

                                                                 Trần Đình Tâm

 

Dẫn nhập:

Một trong những chủ đề Thần Học gây tranh luận giữa các nhà nghiên cứu Thánh Kinh cũng như các Cơ-đốc nhân trong suốt nhiều thế kỷ là: Sự cứu rỗi (hay hư mất) của một người là do Đức Chúa Trời định từ trước hay do cá nhân người đó quyết định nhận (hay từ khước) ơn cứu rỗi? Hỏi một cách khác, có phải con người chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi tin nhận Chúa Jesus để được cứu hay khước từ Ngài để phải hư mất đời? Có hai trường phái thần học trả lời câu hỏi trên:

1. Trường phái Calvin cho rằng Đức Chúa Trời chọn lựa hay định trước một số người để  cứu. Những người được chọn trước nầy đến thời điểm phù hợp sẽ được nghe Tin lành. Lúc đó, Đức Chúa Trời mở lòng họ để họ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Còn những người không được chọn trước, là những người sẽ từ chối ơn cứu rỗi và sẽ hư mất đời đời.

2. Trường phái Arminius cho rằng Đức Chúa Trời ban con người một khả năng đặc biệt − đó là ý chí tự do. Với khả năng nầy, khi nghe về đạo cứu rỗi của Chúa Jesus, con người có quyền tự do để chọn lựa: hoặc tin nhận Chúa Jesus để được cứu, hoặc khước từ Chúa Jesus để bị hư mất đời đời.

Vì cả hai quan điểm trên đều căn cứ trên sự dạy dỗ của Thánh Kinh nên trong bài viết nầy, chúng tôi gọi quan điểm thứ nhất là giáo lý về tiền định và quan điểm thứ hai là giáo lý về ý chí tự do.

A. Giáo Lý về Tiền Định (Predestination, Foreordination, Predetermination)

“Tiền định” theo nguyên ngữ Hy Lạp là “próhοrízō", được tạo thành bởi hai từ: “pró” có nghĩa là “trước” (before)và “hοrízō” có nghĩa là “định” (determine). Như vậy, “tiền định” là sự định trước, có người gọi là thiên định (predestination, foreordination, predetermination), có nghĩa là Đức Chúa Trời định trước một việc nào đó trước khi nó xãy ra.

Giáo lý tiền định do Augustin (354-386) khởi xướng, về sau được tu chỉnh hoàn thiện hơn bởi Jean Calvin (1509-1563), là nhà cải chánh người Pháp nổi tiếng, nên ngày nay nó được gọi là Học Thuyết của Calvin (Calvinism).

Giáo lý về tiền định được tóm lược trong 5 luận điểm căn bản sau đây (gọi tắt là T.U.L.I.P):

1. Sự hư hoại hoàn toàn (Total Depravity):

Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, con người bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. Con người tiếp tục phạm tội và tội lỗi cứ thế lan truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ kế tiếp. Con người đã bị tội lỗi làm cho hư hoại hoàn toàn. Họ không thể tự mình tìm đến với Đức Chúa Trời và cũng không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời bởi bất cứ nổ lực nào của mình. Hơn nữa, vì bản chất tội lỗi mà tự con người cũng không hề có ý muốn tìm kiếm Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài:

“Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích; Chẳng có một người nào làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10-12)

2. Sự chọn lựa vô điều kiện (Unconditional Election):

Luận điểm nầy cho rằng Đức Chúa Trời chọn lựa trước một số người để họ nhận sự cứu rỗi căn cứ vào ý chỉ tuyệt đối và lòng thương xót của Ngài. Ngài đã chọn những người nầy từ trước khi sáng tạo ra trời đất. Vì sự chọn lựa nầy không căn cứ trên những việc làm hoặc công đức của con người, nên được gọi là sự chọn lựa vô điều kiện:

“Những người ngoại nghe lời đó thì vui mừng, ngợi khen đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:48)

“Ấy là dân Y-sơ-ra-ên đã không đạt được điều mình tìm kiếm. Những người được chọn thì đã đạt được, nhưng số còn lại thì trở nên cứng lòng.” (Rô-ma 11:7)

“Ngay cả trước khi sáng thế Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chổ chê trách trước mặt Ngài. Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con của Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài.” (Ê-phê-sô 1:4, 5)

3. Sự chuộc tội có giới hạn (Limited Atonement):

Luận điểm nầy cho rằng Chúa Jesus chỉ chịu chết cho những người được chọn mà thôi thay vì chịu chết cho toàn thể nhân loại. Giáo lý nầy lý luận như sau: Chúa Jesus chết trên thập giá để nhận lãnh án phạt thay cho tội nhân. Nếu Ngài đã nhận án chết thay cho toàn thể nhân loại, thì đương nhiên mọi người phải được cứu. Nhưng thực tế thì chỉ có một số ít người được vào thiên đàng. Như vậy, thật vô lý nếu Đức Chúa Trời đã trả giá cho tội lỗi của một người rồi mà sau này họ cũng bị đoán phạt dưới hoả ngục! Vì sẽ có người không được cứu, nên sự chuộc tội có giới hạn, nghĩa là, chỉ cho những người được chọn trước mà thôi. Giáo lý nầy đặt căn cứ trên các phần Kinh Thánh sau:

“Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh.” (Ê-phê-sô 5:25)

“Vì nhờ dângchỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” (Hê-bơ-rơ 10:14)

“Ta vì chiên ta phó sự sống mình.” (Giăng 10:15)

4. Ân Điển không thể chống lại được (Irresistible Grace):

Điều nầy có nghĩa là khi Tin Lành cứu rỗi đến với một người, vào đúng thời điểm đã được định trước, Đức Chúa Trời sẽ tác động trên tấm lòng họ, soi sáng tâm trí của họ để họ mở lòng ra đón nhận Ân Điển. Người đó không thể nào cưỡng lại được hay chống lại Ân điển ấy được mà chỉ có thể đón nhận mà thôi. Sở dĩ Đức Chúa Trời phải hành động như vậy là vì con người đang ở trong tội lỗi, bị mù lòng vì tội lỗi nên không thể tự nhận thấy được chân lý, và vì không thể nhận biết chân lý nên cũng không thể quyết định tiếp nhận. Theo luận điểm nầy, người quyết định nhận Tin Lành là người được Đức Chúa Trời chọn lựa trước để nhận Tin Lành.

“Ngài lại phán rằng: chính vì cớ đó, mà ta đã nói cùng các ngươi rằng nếu Cha ta chẳng ban cho, thì chẳng ai đến cùng ta được.” (Giăng 6:65)

“Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:14)

5. Sự giữ gìn các Thánh đồ (Preservation of the Saint):

Giáo Lý Tiền Định của Calvin cho rằng những người đã được Đức Chúa Trời lựa chọn trước, sẽ tiếp nhận Chúa Jesus để được cứu. Họ được gọi là các Thánh đồ (Saint). Luận điểm “Sự giữ gìn các Thánh Đồ” cho rằng các Thánh Đồ, vì đã được chọn trước để được vào Thiên Đàng nên được giữ gìn trước mọi biến cố của cuộc đời. Thánh Đồ sẽ không bao giờ sa ngã hay từ bỏ đức tin nơi Chúa Jesus, nhưng cứ bền đỗ trong đức tin cho đến cuối cùng. Quan điểm nầy giải thích trường hợp những người đã từng tiếp nhận Chúa Jesus, nhưng sau đó sa ngã, bỏ niềm tin, rằng họ không phải là những người được Chúa chọn từ trước; họ không hề có đức tin thật trước đó; họ chưa hề có sự cứu rỗi thật.

“Còn những người Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã kêu gọi, những người Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng đã xưng công chính, và những người Ngài đã xưng công chính thì Ngài cũng đã làm cho vinh quang.” (Rô-ma 8:30)

“Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta quen nó và nó theo Ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay Ta.” (Giăng 10:27, 28)

B. Giáo Lý về Ý Chí Tự Do (Free Will)

“Giáo lý” về “ý chí tự do” do James Arminius (1560-1609), người Hòa Lan khởi xướng nên còn được gọi là Học thuyết của Arminius (Arminianism).

“Ý chí” (will) mô tả năng lực của tâm trí con người mà nhờ đó con người có thể định hướng cho tư tưởng hay hành động của mình. Từ ngữ “tự do” (free, tĩnh từ) có nghĩa là không bị lệ thuộc, không bị kiểm soát, hay không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì. Như vậy, ý chí tự do là khả năng rất đặc biệt mà Đức Chúa Trời phú cho con người, bởi nó con người được tự do chọn lựa và quyết định. Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người rất đặc biệt: Chúng ta được tự do chọn lựa để vâng lời hoặc không vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời muốn con người vâng lời Ngài bởi sự tự nguyện chứ không bị tác động bởi một quyền lực nào. Khả năng đặc biệt nầy được minh chứng qua câu chuyện vườn Ê-đen (Sáng Thế Ký đoạn 3), trong đó Đức Chúa Trời làm ra cây biết điều thiện và điều ác để thử nghiệm ý chí tự do của A-đam và Ê-va.

Sau đây là những điểm chính trong giáo lý về Ý Chí Tự Do:

1. Đức Chúa Trời yêu thương tất cả mọi người. Ngài muốn tất cả mọi người được cứu; Ngài không muốn một người nào hư mất:

“Ngài muốn cho mọi người được cứu và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4)

“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (II Phi-e-rơ 3:9)

Nếu Đức Chúa Trời muốn cho tất cả mọi người được cứu, không muốn người nào hư mất thì lẽ hiển nhiên những người bị hư mất không phải là do Đức Chúa Trời đã định cho họ như vậy, mà do họ tự ý chọn cho mình sự hư mất.

2. Chúa Jesus chịu chết trên thập giá là chịu chết cho tất cả mọi người, vì tất cả mọi người đều ở trong tội lỗi, không miễn trừ một ai:

“Vì bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ đều thành ra công bình.” (Rô-ma 5:19)

“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)

3. Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả mọi người đến với sự cứu rỗi, tiếp nhận Chúa Jesus để được cứu:

Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu” (Giăng 3:36)

“Vì ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu” (Rô-ma 10:13)

Chúng ta thấy lời mời gọi tác động lên ý chí tự do của con người. Sau khi được nghe về đạo cứu rỗi, con người có quyền tự do tuyệt đối để chọn lựa một trong hai con đường: Tin nhận để được cứu; không tin để bị hư mất. Như vậy, những người không được cứu là vì họ tự chọn cho mình số phận đó, chứ không phải vì Đức Chúa Trời không muốn cứu họ hay định cho họ hư mất. Họ sẽ không thể biện minh gì được cho mình. Họ không thể quy trách nhiệm cho Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương họ và muốn họ được cứu.

C. Nhận xét của tác giả về giáo lý tiền định của Calvin:

Cả hai giáo lý tiền định của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người đều căn cứ trên những phần Kinh Thánh. Tuy vậy, khi xét qua hai giáo lý nêu trên, chúng ta dễ thấy có sự mâu thuẫn lẫn nhau: Nếu Đức Chúa Trời đã định trước người nào sẽ được cứu, người nào sẽ không được cứu thì làm sao con người lại có thể có sự tự do để chọn sự cứu rỗi cho mình? Chúng tôi xin được trình bày sau đây nhận xét về 4 luận điểm đầu của Calvin. Riêng về luận điểm thứ năm (Sự giữ gìn các Thánh đồ), chúng tôi sẽ bàn tới trong bài “Một người sau tin Chúa, có bị mất sự cứu rỗi không?” sau này.

1. Nhận xét về luận điểm thứ nhất: Sự hư hoại hoàn toàn.

Đây chính là tiền đề cho sự lập luận của giáo lý tiền định: Vì con người bị hư hỏng hoàn toàn bởi tội lỗi, nên con người không thể tự mình tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu; nếu Đức Chúa Trời không thương xót và lựa chọn từ trước một số người để dành sẵn cho sự cứu rỗi thì không một ai được cứu cả.

Đúng là sau khi A-đam và Ê-va sa ngã, con người trở thành nô lệ cho tội lỗi, bị tội lỗi làm cho băng hoại. Có nhiều câu Kinh Thánh chứng minh điều nầy: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được” (Giê-rê-mi 17:9), v.v. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con người, khi được cơ hội đối diện với sự lựa chọn giữa điều tốt (theo ý muốn Chúa, được Chúa chỉ ra cho biết) và điều xấu (theo ý của mình, vì bản chất tội lỗi), người đó không còn khả năng để chọn điều tốt, mà chỉ chuyên chọn điều xấu.

Giáo lý tiền định dạy rằng con người không có khả năng chọn điều tốt, là mâu thuẫn với Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:26-28 và 30:16, là phần Kinh Thánh nói về dân Y-sơ-ra-ên được đặt đối diện với sự lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu; sự quyết định là ở nơi họ (ý chí tự do) chứ Đức Chúa Trời không có định sẵn (tiền định) cho họ.

Kìa ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi sự phước lành và sự rủa sả: Sự phước lành, nếu các ngươi nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà ta truyền cho ngày nay; sự rủa sả, nếu các ngươi không nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:26-28)

”…Ta đặt trước mặt ngươi sự sốngsự chết, sự phước lành và sự rủa sả, vậy hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:16)

Chúng ta thấy rõ, phần Kinh Thánh trên có mục đích tác động trên ý chí tự do của con người. Dù con người mang bản chất tội lỗi, ý chí tự do trong con người vẫn có hiệu lực, con người vẫn còn có khả năng lựa chọn. Chính vì vậy nên Chúa mới đưa ra hai con đường để họ thấy rõ, để họ phân biệt và để họ có trách nhiệm chọn lựa, rồi Chúa khuyên mời: “Hãy chọn sự sống”!

Câu chuyện tiên tri Giô-na được Đức Chúa Trời sai đi rao giảng về sự phán xét của Chúa trên thành Ni-ni-ve, là một bằng chứng về con người có ý chí tự do chọn điều tốt khi có cơ hội, dù con người đang ở trong tội lỗi. Sứ điệp của Giô-na rất rõ ràng “Còn bốn mươi ngày nữa thành Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống” (Giô-na 3:4). Giô-na chỉ rao truyền những gì Đức Chúa Trời sai ông nói. Ý định của Ngài rất rõ ràng: Thành Ni-ni-ve sẽ bị hủy diệt vì tội ác của dân thành đó rất lớn và đã lên thấu trước mặt Ngài (Giô-na 1:2). Tuy nhiên, khi nghe sự rao giảng của Giô-na, tất cả mọi dân thành Ni-ni-ve đều ăn năn. Kết quả là Đức Chúa Trời đã không hủy diệt thành nữa!

Chúng ta ghi nhận một điều như sau: Dân Ni-ni-ve ở trong tội lỗi; sự đoán phạt đã được Đức Chúa Trời định cho; họ nghe được sứ điệp về sự đoán phạt; cả thành đều ăn năn tội; Đức Chúa Trời thay đổi ý định. Vậy, nhờ đâu dân thành Ni-ni-ve thoát khỏi sự đoán phạt? Có phải dân thành Ni-ni-ve được cứu nhờ vào lòng thương xót của Đức Chúa Trời? Đúng như vậy, nhưng điều đó chưa đủ, họ được cứu là nhờ họ ăn năn tội. Xin chú ý: nếu họ không ăn năn, thì lòng thương xót của Đức Chúa Trời vẫn không thể cứu được họ! Như vậy, họ được cứu hay bị hủy diệt là bởi sự vận dụng ý chí tự do của họ để đáp ứng lại sứ điệp của Đức Chúa Trời. Dù Đức Chúa Trời thương xót dân thành Ni-ni-ve, muốn họ được cứu, nhưng ý định hủy diệt hay không hủy diệt thành của Ngài căn cứ trên thái độ của dân thành Ni-ni-ve đối với Lời của Ngài. Dân thành Ni-ni-ve dù phạm tội đến độ sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt, nhưng họ vẫn có khả năng nhận biết chân lý khi được nghe.

Chúng ta thấy giáo lý tiền định do Calvin dẫn giải đã loại trừ hay phủ nhận ý chí tự do của con người trong sự nhận biết điều phải và lựa chọn điều phải khi con người có cơ hội để lựa chọn.

2. Nhận xét về luận điểm thứ hai: Sự chọn lựa vô điều kiện.

Luận điểm thứ nhất là tiền đề cho luận điểm thứ hai: Vì con người sa đọa, hư hoại toàn diện, không có khả năng chọn điều tốt, nên người theo quan điểm Calvin đi đến kết luận rằng Đức Chúa Trời chọn lựa một số người cho họ được cứu dựa vào ý chỉ tuyệt đối của Ngài, căn cứ vào lòng thương xót của Ngài chứ không căn cứ vào công đức hay việc làm của con người. Như vậy, những người bị hư mất là những người không được chọn trước.

Người theo quan điểm tiền định đã không phân biệt giữa sự “tiền định” (predestination) và sự “lựa chọn” (choice (danh từ), choose (động từ) được dùng trong Ê-phê-sô 1:4). Chúng ta hãy khảo sát câu Kinh thánh này:

“Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ”

“According as He hath chosen us in him before the foundation of the world” (King James Version)

Cụm từ “chọn lựa chúng ta trước khi sáng thế” dễ đưa đến quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời “định trước” hay “định sẵn” để cứu một số người một cách độc đoán và thiên vị như quan điểm mà Calvin đưa ra.

Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho loài người đã được Ngài hoạch định trước khi loài người phạm tội, và hơn nữa, trước khi Ngài tạo dựng nên vũ trụ và loài người! Đức Chúa Trời đã biết trước loài người sẽ thất bại trong cuộc thử nghiệm về quyền tự do vâng giữ mệnh lệnh hay khước từ mệnh lệnh của Ngài về cây biết điều thiện và điều ác. Kế hoạch cứu rỗi là Đức Chúa Trời phải đến thế gian qua hình thể loài người là Chúa Jesus, để chịu nhận án phạt chết cho con người, bất cứ ai biết mình có tội, ăn năn tội và tin nhận sự chuộc tội của Chúa Jesus cho mình thì sẽ được Đức Chúa Trời tha thứ và ban cho sự sống vĩnh cữu.

Đức Chúa Trời không hề “định trước” để cứu người nào đó một cách độc đoán, thiên vị, nhưng dựa trên căn bản được cứu “trong Đấng Christ,” có nghĩa là bất cứ ai ở trong Đấng Christ sẽ là những người được chọn. Mà “ở trong Đấng Christ” tức là tin nhận Chúa Jesus Christ. Và chúng ta cũng biết rằng quyết định tin nhận Chúa Jesus là tùy thuộc vào quyền tự do cá nhân của người nghe Tin Lành (vận dụng ý chí tự do), chứ Đức Chúa Trời không ép buộc ai phải chấp nhận Tin Lành; nghĩa là Ngài không điều khiển tâm trí của ai như điều khiển cái máy. Vậy, những ai tin nhận Chúa Jesus, bởi quyền tự do quyết định cá nhân, thì được kể là những người được Ngài chọn; chứ không phải Đức Chúa Trời chọn người nào đó rồi áp lực người đó để họ tin nhận Chúa Jesus như cách hiểu “định trước để được cứu.”

Giáo lý tiền định của Calvin dễ đưa đến quan niệm sai lầm cho rằng Đức Chúa Trời bất công, thiên vị và độc đoán vì Ngài chọn lựa một số người nầy mà không chọn một số người khác. Nếu giáo lý nầy đúng (sự chọn lựa của Đức Chúa Trời là vô điều kiện) thì những người không được cứu rỗi sẽ có lý do chính đáng để biện minh cho mình: “Vì Đức Chúa Trời không chọn tôi nên tôi phải bị hư mất.” Giáo lý Calvin không trả lời trực tiếp cho vấn đề nầy, vì nếu giải đáp thỏa đáng cho vấn đề đó, tức là phải trả lời rằng “sở dĩ anh không được cứu là vì anh tự chọn cho mình số phận đó.” Thế nhưng, nếu trả lời như vậy, thì hóa ra họ đã phải thừa nhận rằng giáo lý về ý chí tự do là đúng, và đồng thời thừa nhận rằng lập luận “sự lựa chọn vô điều kiện” là không ổn!

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:48 là phần Kinh Thánh mà những người theo giáo lý của Calvin rất đắc ý dùng làm hậu thuẩn cho thuyết “tiền định”: “Những người ngoại nghe lời đó thì vui mừng, ngợi khen đạo Chúa, và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo.”

Chúng ta hãy đọc câu trên trong bản tiếng Anh: “And when the Gentiles heard this, they were glad, and gloryfied the word of the Lord: and as many as were ordained to eternal life believed.” (King James Version), “When the Gentiles heard this, they began rejoicing and gloryfying the word of the Lord; and as many as had been appointed to eternal life believed” (New American Standard Bible).

Để hiểu đúng ý nghĩa của câu trên, cần phải đặt nó trong văn cảnh: Phao-lô và Ba-na-ba giảng Tin Lành trong nhà hội tại thành An-ti-ốt (13:14-41). Sứ điệp của hai ông khiến dân thành chú ý, và họ yêu cầu hai ông trở lại giảng thêm nữa vào ngày Sa-bát kế (câu 42, 43). Đến ngày Sa-bát đó, gần hết dân chúng trong thành kéo đến để nghe Phao-lô và Ba-na-ba giảng (câu 44), nhưng những người Giu-đa (là những người theo Do Thái giáo và không tin Chúa Jesus) thấy đoàn dân ham thích nghe đạo Chúa thì sanh lòng ghen ghét, chống đối lời giảng của Phao-lô và phỉ báng ông (câu 45). Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba mạnh dạn nói với họ rằng: “Cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhất cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên chúng ta mới quay qua dân ngoại (câu 46). Người Do Thái cho rằng họ là tuyển dân của Đức Chúa Trời, là con cháu Áp-ra-ham. Họ cậy vào việc tuân giữ luật pháp để được xưng công chính trước mặt Đức Chúa Trời, nên đương nhiên họ có đặc quyền vào nước thiêng đàng. Nhưng chúng ta biết rằng người Do Thái không thể được cứu nếu họ cố gắng tuân giữ luật pháp Môi-se mà chối bỏ Chúa Jesus, cho nên Tin Lành trước nhất được rao giảng cho người Do Thái.

Chúa Jesus sau khi chọn 12 Sứ Đồ đã truyền dạy cho họ rằng “Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả; song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 10:5, 6). Chúng ta đọc trong Giăng 7 và 8 để thấy dân Do Thái khước từ sự giảng dạy Chúa Jesus. Họ cho rằng Ngài bị quỷ ám và định lấy đá ném Chúa Jesus. Chúa Jesus phán trong ví dụ về tiệc cưới: “Tiệc cưới đã dọn sẵn rồi, song những người được mời (chỉ người Do Thái) không xứng dự tiệc đó” (Ma-thi-ơ 22:8). Và Ngài phán với giới lãnh đạo Do Thái: “…nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó” (Ma-thi-ơ 21:43). Phao-lô đã giải thích trong Rô-ma 11:11: “Nhưng ấy là bởi tội lỗi của họ [dân Do Thái] mà sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ.”

Chúng ta trở lại với Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 13, Phao-lô nói với những người Giu-đa: “Vì Chúa có phán dặn chúng ta như vậy: Ta lập ngươi lên đặng làm sự sáng cho các dân; hầu cho ngươi đem sự cứu rỗi đến tận cùng trái đất” (câu 47). Phao-lô muốn cho dân thành An-ti-ốt (là dân ngoại) biết rằng vì dân Do Thái đã từ chối tiếp nhận Tin Lành, nên Tin Lành được Chúa chỉ định rao giảng cho các dân ngoại. Và chúng ta ghi nhận phản ứng của dân thành An-ti-ốt như sau: Những người ngoại nghe những lời đó thì vui mừng, ngợi khen đạo Chúa” (câu 48a). Chúng ta hãy so sánh: Người Do Thái từ chối đạo Chúa (câu 46), còn người dân ngoại thì vui mừng, ngợi khen đạo Chúa. Và câu 48b cho chúng ta biết “và phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời đều tin theo.” Như vậy, bởi sự từ chối Tin Lành mà dân Do Thái không xứng đáng nhận sự cứu rỗi, và bởi sự tiếp nhận Tin Lành mà dân ngoại được Đức Chúa Trời chỉ định (hay định sẵn) cho sự sống đời đời. Cụm từ “những người được định cho sự sống đời đời đều tin theokhông nên hiểu như là những cá nhân được Chúa chọn lựa trước một cách vô điều kiện rồi chỉ định họ phải tin Chúa, nhưng là chỉ về cộng đồng dân ngoại được Chúa định cho sự cứu rỗi vì tuyển dân Do Thái đã tỏ ra không xứng đáng.

3. Nhận Xét về luận điểm thứ ba: Sự chuộc tội có giới hạn.

Chúng ta dễ thấy rằng luận điểm nầy cũng liên quan với hai luận điểm trên. Tức là, quan điểm nầy chỉ nhắm mục tiêu: phủ nhận ý chí tự do của con người. Nếu con người không có ý chí tự do, làm sao giải thích số phận của những người bị hư mất đời đời ngoại trừ trả lời rằng: “họ bị hư mất là tại họ khước từ ơn cứu rỗi đã ban cho họ”? Những người theo thuyết tiền định giải quyết vấn đề nầy bằng cách đưa ra lập luận, gọi là “sự chuộc tội có giới hạn”: Sự chết của Chúa Jesus trên thập giá chỉ để chuộc tội cho những người được chọn trước mà thôi, tức là sự chuộc tội có giới hạn. Giáo lý nầy hoàn toàn mâu thuẫn với giáo lý về sự chuộc tội của Jesus được ghi trong I Giăng 2:2:

“Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.”

Chúng ta thấy rõ, Chúa Jesus chết để chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Cụm từ “chúng ta” chỉ về những người đã tin nhận Chúa Jesus và đã kinh nghiệm được sự cứu rỗi. Cụm từ “cả thế gian” chỉ rõ sự chuộc tội của Chúa Jesus là cho tất cả mọi người, vì tất cả mọi người đều phạm tội và Đức Chúa Trời yêu thương cả thế gian (Giăng 3:16).

Trong phần A.3, giáo lý của Calvin đưa ra những cụm từ như “Hội Thánh,” “kẻ được nên thánh” hay “chiên Ta” để hổ trợ cho luận điểm “sự chuộc tội có giới hạn.” Các cụm từ đó nên được hiểu là chỉ về tất cả những người đã tiếp nhận ơn cứu rỗi bởi đức tin của họ trong số tất cả mọi người trên thế giới, chứ không nên hiểu là Chúa Jesus chỉ chuộc tội cho riêng họ mà thôi. Như vậy, những người không được cứu là vì họ từ chối tiếp nhận ơn cứu chuộc của Chúa chứ không phải vì sự chuộc tội của Chúa chỉ dành riêng cho những người được chọn.

Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ: Tất cả mọi người đều cần xà-bông để tẩy rửa; xà-bông được chế tạo ra để cho tất cả mọi người; nhưng xà-bông chỉ công hiệu đối với những ai sử dụng nó mà thôi. Cũng vậy, tất cả mọi người đều cần được cứu; Chúa Jesus chết trên thập giá để chuộc tội cho tất cả mọi người; nhưng sự chuộc tội chỉ có công hiệu đối với những ai tin nhận mà thôi.

4. Nhận xét về luận điểm thứ tư: Ân Điển không thể chống lại được.

Luận điểm nầy là hệ quả của luận điểm thứ nhất: Vì con người hư hoại hoàn toàn bởi tội lỗi, bị tội lỗi làm cho đui mù nên không thể tự mình nhận thấy chân lý. Tại thời điểm tội nhân đó được nghe Tin lành cứu rỗi, Đức Chúa Trời tác động trên tâm trí người đó, mở lòng họ ra để họ nhận thấy ân điển của Chúa. Khi ấy, họ không thể chống lại được hay cưỡng lại được ân điển ấy mà chỉ có tiếp nhận. Vì vậy, lập luận nầy mới được gọi là “Ân Điển không thể chống lại được”.

Như chúng ta đã biết giáo lý của Calvin phủ nhận ý chí tự do của con người: Nghĩa là quyết định tiếp nhận Tin lành không do cá nhân mà đến từ Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời tiền định sự cứu rỗi, nên nỗ lực của con người bị loại trừ. Nếu điều này là đúng thì những người hư mất sẽ cho rằng họ không chịu trách nhiệm gì hết về quyết định tin nhận hay từ khước Tin Lành của họ. Những người này sẽ lý luận rằng họ bị hư mất là vì Đức Chúa Trời không chọn họ; Ngài đã không tác động trên họ, không mở lòng họ, không buộc họ phải tiếp nhận Ân Điển, v.v.

Những người tin nơi tiền định dùng trường hợp của bà Ly-đi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:14 để hổ trợ cho lập luận trên: “Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói.” Tuy nhiên, chúng ta hãy chú ý đến nếp sống của bà trước khi nghe Phao-lô giảng. Phần đầu của câu 14 cho biết “Có một người trong bọn đó nghe chúng ta, tên là Ly-đi, làm nghề buôn hàng sắc tía, vẫn kính sợ Đức Chúa Trời.” Bà Ly-đi vốn là người từng kính sợ Chúa, biết tìm kiếm Chúa. Chúa biết điều ấy nên sự việc Đức Chúa Trời mở lòng bà là điều hợp với lẽ thật. Giê-rê-mi 29:13 chép “Các ngươi sẽ tìm Ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng.” Chúa muốn con người hết lòng tìm kiếm Chúa (vận dụng ý chí tự do) rồi sẽ gặp được Ngài! Hành động Đức Chúa Trời “mở lòng” bà Ly-đi nên được hiểu là kết quả của một tấm lòng biết tìm kiếm chân lý.

Mặt khác, Chúa không bao giờ tác động vào tấm lòng, hay mở một tấm lòng cố chấp cứng cỏi, vì Chúa không ép buộc ai, nhưng tôn trọng quyền tự do của con người. Chúng ta thấy trong Ma-thi-ơ đoạn 13 khi Chúa Jesus dùng ví dụ mà phán dạy, các môn đồ mới hỏi Ngài là tại sao Ngài dùng ví dụ để dạy. Chúa trả lời “Bởi vì đã ban cho các ngươi được biết những điều mầu nhiệm của nước thiên đàng, song về phần họ, thì không ban cho biết. Vậy nên Ta phán ví dụ cùng chúng; vì họ xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết” (câu 11, 13). Cũng cùng một câu chuyện trên, nhưng Mác nhấn mạnh hơn: “Hầu cho họ xem thì xem mà không thấy, nghe thì nghe mà không hiểu; e họ hối cải mà được tha tội chăng” (Mác 4:12). Đây cũng là phần Kinh Thánh mà những người theo thuyết Calvin dùng để hổ trợ cho giáo lý tiền định. Họ lý luận rằng một số người không hiểu biết chân lý vì Chúa không muốn cho họ hiểu biết. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của lời phán dạy của Chúa Jesus nêu trên. “Họ” ở đây chỉ về những người Pha-ri-si. Trong đoạn 12, bọn người nầy đã cho rằng Chúa Jesus dùng quyền phép của ma quỷ để đuổi quỷ (câu 24). Sau đó, Chúa Jesus so sánh họ với dân thành Ni-ni-ve: dân thành Ni-ni-ve nghe Giô-na giảng thì biết ăn năn, còn bọn họ thì không, khi được nghe chính Ngài rao giảng. Rồi Chúa so sánh họ với nữ hoàng Sê-ba: Bà Sê-ba đã vượt đường xa để nghe cho được những lời khôn ngoan của Sa-lô-môn, còn họ thì không muốn nghe đạo lý của chính Ngài (câu 41, 42). Như vậy, chúng ta thấy người Pha-ri-si không hiểu chân lý là vì tại họ không muốn hiểu, chứ không phải Chúa chỉ định cho họ không được hiểu (như cách lập luận của trường phái Calvin). Chúng ta hãy xem tấm lòng của Chúa Jesus đối với dân Y-sơ-ra-ên ra sao và thái độ đáp ứng của họ: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những người chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng (Ma-thi-ơ 23:37).

Chúng ta không nên hiểu việc Chúa Jesus dùng ví dụ để dạy dỗ người Pha-ri-si và giới lãnh đạo Do Thái để họ “xem mà không thấy, nghe mà không hiểu, e họ hối cải mà được tha tội chăng” rằng Ngài không muốn cho họ hiểu biết lẽ thật để họ ăn năn tội để được sự tha thứ, nhưng nên hiểu rằng đó chỉ là cách thức (stylize) giảng dạythường thấy của Chúa Jesus. Nghĩa là Chúa Jesus đã biết từ trước rằng giới lãnh đạo Do Thái sẽ từ chối lời dạy của Ngài, vì Ngài thấu rõ tấm lòng cứng cỏi, vô tín của họ trước khi Lời Ngài được rao giảng ra cho họ.

Có một vấn đề cần được làm sáng tỏ vì có liên quan đến sự tiền định của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người đối với sự cứu rỗi: Sự tái sanh đến trước sự tin nhận Chúa Jesus hay sự tin nhận chúa Jesus xảy ra trước sự tái sanh? Nói cách khác, khi một người nghe Tin Lành, Đức Thánh Linh sẽ ngự vào lòng để tái sanh người ấy, giúp nười ấy hiểu được lẽ thật, rồi sau đó mới tiếp nhận Chúa Jesus; hay sự tin nhận Chúa Jesus đến trước, sau đó Đức Thánh Linh ngự vào lòng để tái sanh người đó?

Học thuyết của Calvin dạy rằng con người không thể nhận biết chân lý nếu không có sự tác động trực tiếp của Đức Thánh Linh: “Vả, người có tính xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời, bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).Theo những người tin vào thuyết Calvin, Chúa đã chọn trước một số người cho sự cứu rỗi, rồi Đức Thánh Linh tái sanh người đó bởi quyền năng của Ngài, rồi Ngài tác động trên tâm trí để họ hiểu Tin Lành. Theo những người tin vào thuyết Calvin, chỉ sau khi được tái sanh, con người mới hiểu được chân lý và tin nhận Chúa Jesus, vì con người với bản tính xác thịt không hiểu được những điều thuộc linh theo I Cô-rinh-tô 2:14. Chúng ta nhận thấy cách giải thích như vậy là mặc nhiên công nhận rằng con người chỉ là cái máy làm theo sự điều khiển của Đức Thánh Linh. Thật ra, I Cô-rinh-tô 2:14 không hề có ý nói về công tác của Đức Thánh Linh đối với những người chưa được cứu đang nghe Tin Lành, nhưng nói về những người đã tin Chúa rồi (xin đọc đoạn 1:1,2 để thấy rõ Phao-lô đang viết cho các tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô). Tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô có những người dù đã tin Chúa, đã nhận lãnh Đức Thánh Linh, nhưng lại sống buông thả theo xác thịt nên Phao-lô dạy rằng những người sống theo xác thịt không thể hiểu được những điều thuộc về Thánh Linh. Chính vì vậy mà Phao-lô khuyên “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt” (Ga-la-ti 5:16, 17).

Ga-la-ti 3:2 cho chúng ta câu trả lời: Sự tin nhận Chúa Jesus đến trước sự nhận lãnh Đức Thánh Linh: “Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghetin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh?” và câu 14 “… lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho.” Chúng ta ghi nhận diễn tiến theo thứ tự như sau: Nghe Tin Lành, tin Chúa Jesus, nhận lãnh Đức Thánh Linh. Công việc của Đức Thánh Linh là tái sanh một người đã tin nhận Chúa Jesus, khiến họ trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12), để bắt đầu cuộc sống mới (I Cô-rinh-tô 5:17). Đức Thánh Linh không ngự vào lòng một người không tin Chúa, để tái sanh người đó, vì Chúa Jesus cho biết “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần Lẽ Thật mà thế gian không thể nhận lãnh được (Giăng 14:16, 17).

D. Những yếu tố trong sự cứu rỗi và hư mất của con người.

Giáo lý về ý chí tự do dạy rằng con người có quyền tự do lựa chọn giữa tiếp nhận hay khước từ ơn cứu rỗi.

Giáo lý về tiền định của Calvin dạy rằng Đức Chúa Trời định trước hay chọn lựa một số người để họ nhận ơn cứu rỗi; những người không được lựa chon sẽ bị hư mất.

Những câu Kinh Thánh cho thấy con người có ý chí tự do để quyết định rất rõ ràng và dễ hiểu đối với chúng ta. Chúng dễ hiểu và dễ chấp nhận là vì chúng ta là con người. Chúng ta biết con người của chúng ta thật có tự do để chọn làm điều nầy hay không làm điều kia, tin điều nầy hay không tin điều kia.

Tuy nhiên, những câu Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời chọn lựa trước hay định sẵn một số người để được cứu thì không không đơn giản và dễ hiểu như chúng ta nghĩ. Chúng không đơn giản và khó hiểu là vì vấn đề đó nằm trong ý tưởng của Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng thuộc về lãnh vực của Đức Chúa Trời chứ không phải lãnh vực của con người chúng ta. Chính vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa thật sự của những từ “chọn lựa” hay “định sẵn” mà Kinh Thánh dùng. Nói cách khác, chúng ta cần hiểu “chọn lựa” hay “định sẵn” theo nghĩa của Kinh Thánh chứ không theo nghĩa văn tự hay nghĩa của sách tự điển định nghĩa nó.

Tôi cho rằng giáo lý tiền định của Calvin đã giải thích “chọn lựa” hay “định sẵn” theo nghĩa văn tự, nên đã đi đến kết luận rằng Đức Chúa Trời cầm quyền tuyệt đối trong việc chọn người nầy mà không chọn người kia. Vì thế, giáo lý nầy buộc phải phủ nhận ý chí tự do của con người. Sự giải nghĩa nhiều câu Kinh Thánh khác của trường phái Calvin đều đặt trên nền tảng ấy.

Tôi tin rằng Lời của Đức Chúa Trời phán dạy không thể mâu thuẫn lẫn nhau. Tất nhiên, Kinh Thánh là mầu nhiệm, vì là Lời của Chúa; tâm trí con người có giới hạn không thể hiểu trọn vẹn Kinh Thánh được. Tuy nhiên, sự khó hiểu và sự mâu thuẫn là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau trong sự giải nghĩa Kinh Thánh. Chính giáo lý tiền định của Calvin phát sinh ra các mâu thuẫn, đưa đến những vấn nạn rắc rối như: Đức Chúa Trời vi phạm quyền tự do của con người; Đức Chúa Trời bất công; Đức Chúa Trời định cho một số người bị hư mất; Đức Chúa Trời chịu trách nhiệm chứ không phải con người chịu trách nhiệm về số phận của họ. Để giải quyết những vấn nạn trên, những người theo giáo lý Calvin chống đỡ bằng vài câu Kinh Thánh như: “Vậy điều đó chẳng phải bởi người nào ao ước hay bôn ba mà được, bèn là bởi Đức Chúa Trời thương xót” (Rô-ma 9:16), hay “Nhưng hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét…” (Rô-ma 9:20, 21) trong khi những câu Kinh Thánh nầy nếu hiểu theo văn mạch hay ngữ cảnh, thì không có ý nói về sự cứu rỗi. Vì những giáo lý đến từ Lời của Đức Chúa Trời không thể mâu thuẫn lẫn nhau, nên cần phải xem xét lại cách diễn giải Thánh Kinh về sự tiền định của Calvin.

1. Yếu tố đem con người đến sự cứu rỗi.

Phân tích Ê-phê-sô 2:8, chúng ta sẽ có câu trả lời:

“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em, mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời.”

Xin chúng ta để ý cách dùng cụm từ “nhờ ân điển” và “bởi đức tin” trong bản dịch Anh ngữ:

“For by grace are you saved through faith; and that not of yourselves: it is the gift of God” (KJV)

Chúng ta nghi nhận có 2 yếu tố để hoàn tất sự cứu rỗi cho một cá nhân:

a. Nhờ Ân Điển (by grace): Con người được cứu nhờ ân điển

- Ân điển là tặng phẩm (gift) Đức Chúa ban cho con người bởi tình yêu của Ngài. Sở dĩ gọi là “ân điển” (hay ân sủng) là vì đối tượng nhận lãnh (con người) không xứng đáng được hưởng sự ban cho đó.

- Chúng ta được cứu bởi ân điển có nghĩa là nếu Đức Chúa Trời không bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta, nếu Ngài không muốn cứu chúng ta, thì tất cả mọi người đều sẽ bị chết mất vĩnh viễn trong tội lỗi của mình. Rô-ma 5:8 giải thích: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.”

- Tặng phẩm của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại là Chúa Jesus: “Ngôi Lời [Chúa Jesus] đã trở nên xác thể, sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý” (Giăng 1:14)

b. Bởi đức tin (through faith): Con người được cứu bởi đức tin

Đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17)

“Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31)

“Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi” (Giăng 3:18)

Đến đây, một câu hỏi quan trọng cần phải được giải quyết: Đức tin để được cứu đến từ đâu? Do Đức Chúa Trời ban cho hay đã có sẵn trong con người?

Những người tin theo giáo lý tiền định của Calvin trả lời: Do Đức Chúa Trời ban cho. Họ dựa vào cụm từ “điều nầy không đến từ anh em, mà là tặng phẩm (hay sự ban cho) của Đức Chúa Trời.”

Tôi cho rằng cụm từ trên chỉ về ÂN ĐIỂN chứ không chỉ về ĐỨC TIN.

Nếu Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đức tin, rồi nhờ đức tin đó, chúng ta tin nhận Chúa Jesus (theo như giáo lý tiền định theo Calvin) thì sự tin nhận Chúa Jesus không phát xuất từ tấm lòng tự nguyện. Nó không còn là sự quyết định của chính mình nữa. Chúng ta không thật có tự do để chọn theo Chúa Jesus, và chính Chúa không hề muốn chúng ta tin Ngài theo cách ấy.

Nếu chú ý đến các câu Kinh Thánh vừa nêu ra bên trên, chúng ta nhận thấy Chúa không muốn ép buộc bất cứ ai phải tin nhận Ngài, vì lời mời gọi “hãy tin,” “ai tin” hoặc lời cảnh báo “ai không tin” cho thấy đức tin để được cứu tùy thuộc vào con người, là khả năng có trong con người. Ví dụ về “đức tin” thì đầy dẫy trong cuộc sống hằng ngày: Khi đói bụng, chúng ta tin thức ăn sẽ giúp chúng ta no nếu chúng ta ăn; khi đọc sách lịch sử, chúng ta tin các nhân vật trong sách là có thật; khi uống viên thuốc nầy, chúng ta tin rằng sẽ làm dịu cơn đau v.v… Nếu đức tin do Chúa ban cho chứ con người không có, thì Chúa không mời gọi người ta “hãy tin” Ngài làm chi!

Tuy vậy, giả định rằng cụm từ “điều nầy không đến từ anh em, mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời” chẳng những chỉ về ÂN ĐIỂN mà thôi, nhưng cũng bao gồm ĐỨC TIN nữa, thì chúng ta cũng không nên hiểu theo cách giải thích của trường phái Calvin. Thay vì, chúng ta nên hiểu như sau:

Đức Chúa Trời ban cho loài người ý chí tự do ngay từ lúc Ngài tạo dựng loài người. Với ý chí tự do ấy, loài người được tự do chọn sự vâng lời Chúa hay không vâng lời Chúa khi họ đối diện với sự cám dỗ (ăn hay không ăn trái cây biết điều thiện và điều ác). Cũng vậy, khi đối diện với đạo cứu rỗi của Chúa Jesus và lời mời gọi của Ngài, loài người vẫn với quyền tự do ấy, chọn sự tiếp nhận Chúa Jesus hay từ chối tiếp nhận Ngài. "Hành động" tiếp nhận Chúa gọi là ĐỨC TIN. Như vậy ĐỨC TIN thuộc về, hay "ở trong" ý chí tự do, mà ý chí tự do là do Đức Chúa Trời ban cho con người, đơn giản là vì chính Ngài đã tạo dựng nên loài người! Chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng Lạ Lùng: Ngài ban cho loài người ý chí tự do, với ý chí tự do đó, loài người được tự do chọn vâng lời Ngài hay không vâng lời Ngài!

Tóm lại, chúng ta được cứu nhờ ân điển, điều nầy không đến từ chúng ta, nhưng là sự ban cho của Đức Chúa Trời, phát xuất từ tình yêu thương của Ngài. Ân điển ấy được bày tỏ qua sự chuộc tội của Chúa Jesus. Chúng ta được cứu bởi đức tin của chúng ta nơi sự chuộc tội của Chúa Jesus. Đức tin là hành động của ý chí tự do trong chúng ta, khi chúng ta chọn Chúa Jesus là cứu Chúa của mình.

2. Yếu tố đưa con người đến sự hư mất.

Những người được cứu, theo Calvin là những người được Đức Chúa Trời chọn lựa (chọn lựa vô điều kiện) thì đương nhiên, những người không được cứu cũng ở dưới sự tiền định của Ngài. Đây là những người không được chọn lựa; điều đó đã được định sẵn (appointed) cho họ trước rồi. Giáo lý của Calvin dễ khiến cho chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời bất công, thiên vị khi chọn một số người nầy mà không chọn những người khác, vì theo giáo lý nầy, Đức Chúa Trời phải chịu trách nhiệm về số phận của những người bị hư mất đời đời chứ không phải những người đó! Những người theo giáo lý tiền định của Calvin dựa vào câu Kinh Thánh sau đây để trả lời cho câu hỏi có một số người không được cứu là vì họ không được Đức Chúa Trời chọn lựa:

“Họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục đạo, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi.” (I Phi-e-rơ 2:8)

Điều quan trọng là cụm từ “đã định sẵn” trong I Phi-e-rơ 2:8 có nghĩa gì? Phần Kinh Thánh nầy nói về dân Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta học được dân Y-sơ-ra-ên có chọn con đường vâng lời Chúa muốn hay không trong Thi Thiên 81:11:

Nhưng dân sự ta không khứng nghe tiếng ta, Y-sơ-ra-ên không muốn vâng theo ta

Dân Y-sơ-ra-ên được tự do chọn lựa (free will) giữa sự vâng lời Đức Chúa Trời hay không vâng lời Đức Chúa Trời. Họ đã chọn sự không vâng lời; thái độ bất tuân của họ là do họ cố ý (ý chí tự do trong họ) vì Kinh Thánh nói họ “không khứng,” “không muốn” chứ Đức Chúa Trời không định cho họ phải bất tuân bao giờ.

Chúng ta hãy xem Đức Chúa Trời đối phó với thái độ bất tuân của dân Y-sơ-ra-ên ra sau trong câu tiếp theo:

“Vì vậy, Ta buông chúng nó đi theo sự cứng lòng chúng nó. Để chúng nó đi theo mưu kế riêng chúng nó.” (Thi Thiên 81: 12)

Đức Chúa Trời đã phó mặc họ. Ngài để họ lầm lạc trong con đường họ chọn. Nói cách khác, Ngài cho phép họ đi theo sự cứng lòng của họ; Ngài cho phép họ đi theo mưu kế riêng của họ. Ngài cho phép mọi chuyện xãy ra vì Ngài là Đấng cầm quyền trên mọi việc.

Chúng ta hãy trở lại với I Phi-e-rơ 2:8. Dân Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Chúa Jesus là Đấng Mê-si của họ. Cụm từ “điều ấy đã định sẵn cho họ rồi” nên được hiểu là: vì họ đã cứng lòng, không muốn nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si; Đức Chúa Trời cho phép điều đó xãy ra; Ngài chuẩn y cho sự vô tín của họ. Đó chính là cách mà Kinh Thánh dùng cụm từ "đã định sẵn". ĐỊNH SẴN hay TIỀN ĐỊNH (predestination) ở đây không có nghĩa là Đức Chúa Trời chỉ định cho dân Y-sơ-ra-ên phải cứng lòng, không vâng phục đạo (như giáo lý tiền định của Calvin dạy), nhưng có nghĩa là Đức Chúa Trời CHUẨN Y cho sự cứng lòng, không vâng phục đạo của dân Y-sơ-ra-ên vậy.

Tương đương như trên, những người không được cứu là do họ từ chối công nhận Chúa Jesus là Đấng chuộc tội cho họ. Họ bị hư mất không phải vì Đức Chúa Trời không chọn họ nhưng do họ chọn số phận đó cho mình. Chính Chúa Jesus tuyên bố: “Các ngươi không muốn đến cùng Ta để được sự sống” (Giăng 5:40) và Phao-lô cũng đã mạnh mẽ nói lên hậu quả của sự cứng long: “Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 2:5).

E. Kết Luận:

Sự cứu rỗi bao gồm hai phương diện:

Ân Điển của Đức Chúa Trời: Được bày tỏ qua sự chết của Chúa Jesus trên thập giá để chuộc tội cho tất cả mọi người.

Sự chọn lựa của con người: Mỗi người đều có cơ hội đối diện với Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jesus và được kêu gọi tin nhận Chúa Jesus để được cứu, đồng thời cũng được cảnh báo nếu không tin sẽ bị hư mất. Con người có ý chí tự do để quyết định: Hoặc đáp ứng lời mời thì sẽ được cứu; hoặc khước từ sẽ bị hư mất.

Những người tin nhận chúa Jesus (vận dụng ý chí tự do) là những người được chọn trong Đấng Christ trước khi sáng thế (Ê-phê-sô 1:4). Đức Chúa Trời biết trước những người sẽ tiếp nhận ơn cứu rỗi. Đó là những người Ngài định sẵn để được giống như hình ảnh của Chúa Jesus, cũng là những người Ngài đã gọi, đã xưng công bìnhlàm cho vinh hiển. (Rô-ma 8:29, 30).

Tháng 12, 2010.