TÔI TỚ CHÚA HAY CON CÁI CHÚA

Trần Đình Tâm

 

Theo thói quen, người tín hữu trong tất cả các Hệ phái Tin Lành Việt Nam gọi các vị mục sư“tôi tớ Chúa” hay “đầy tớ Chúa”, và gọi các tín hữu“con cái Chúa”. Mỗi khi dùng cụm từ “tôi tớ Chúa” là ám chỉ đến các mục sư; khi đề cập đến “con cái Chúa” là ám chỉ người tín đồ. Sự phân biệt trong ngôn ngữ và cách nói như thế xem ra rất rõ ràng và không hề có sự lẫn lộn chút nào. Chính các vị mục sư cũng tự nhận mình là tôi tớ Chúakhông phải là con cái Chúa! còn các tín hữu cũng công nhận mình là con cái Chúakhông phải là tôi tớ Chúa!

Nhận định trên đây được chứng minh không những trong sự giao tiếp hằng ngày mà còn trong các lời nói của người hướng dẫn chương trình một buổi nhóm, hội nghị, hội đồng v.v … Ví dụ: “Kính chào các tôi tớ Chúa và các con cái Chúa … Cám ơn các đầy tớ Chúacon cái Chúa …”, hay trong các văn thư: “Kính gửi các tôi tớ Chúacon cái Chúa ở …”

Cách gọi như thế đã trở thành nguyên tắc được hiểu ngầm và được công nhận từ bao lâu nay, có thể kể từ lúc Tin Lành đến Việt Nam cho đến ngày nay (?).

Chúng ta hãy tìm hiểu “đầy tớ Chúa” và “con cái Chúa” có ý nghĩa gì.

1. Ý nghĩa của “tôi tớ” giữa người với người.

“Tôi tớ” hay “đầy tớ” có nghĩa là người phục vụ (servant). Người đầy tớ cũng có nhiều loại (type) khác nhau tùy theo tính chất của công việc được giao:

Người đầy tớ có thể chỉ về một người giúp việc cho một gia đình. Có thể là người làm việc tình nguyện hay không tình nguyện; được trả tiền công hay không được trả tiền công. II Các Vua 5:1-3 ghi lại câu chuyện một đứa đầy tớ gái người Y-sơ-ra-ên giúp việc trong nhà quan tổng binh Na-a-man, người Sy-ri. Tiên tri Ê-li-sê có người đầy tớ là Ghê-ha-xi (II Các Vua 4:11,12). A-ga là đầy tớ Sa-ra (Sáng Thế Ký 16:1). Ô-nê-sim là đầy tớ của Phi-lê-môn (Phi-lê-môn 1:10)  v.v…

Người đầy tớ có thể là một người quản gia của một gia đình, do người chủ tin cậy giao phó nhiều việc quan trọng cho người đó quản lý. Ê-li-ê-se là quản gia của Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 15:2; 24:2). Giô-sép là quản gia của Phô-ti-pha (Sáng Thế Ký 39:4-6).

Người đầy tớ có thể là một người phục vụ cho một người thuộc cấp trên của mình, với tinh thần cộng tác nhằm vào một mục đích hay một lý tưởng nào đó. Giô-suê được kể là đầy tớ của Môi-se (Xuất-Ê-díp-tô Ký 24:13). Ê-li-sê là đầy tớ của Ê-li (I Các Vua 19:21)

2. Ý nghĩa của “tôi tớ Chúa” hay “đầy tớ Chúa”.

Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, tôi tớ Chúa hay đầy tớ Chúa (servant, là danh từ) là người được Chúa sử dụng để hoàn thành mục đích của Ngài; tôi tớ Chúa là người hầu việc hay phục vụ (serve, là động từ) Chúa, có nhiệm vụ làm theo ý muốn và mệnh lệnh của Chúa.

a) Trong Cựu Ước:

+ Môi-se được kể là tôi tớ của Đức Chúa Trời.

“A-rôn và các con trai người đều dâng của lễ hoặc trên bàn thờ về của lễ thiêu hay trên bàn thờ xông hương, làm mọi việc ở nơi chí thánh, và làm lễ chuộc tội cho Y-sơ-ra-ên, theo như mọi sự Môi-se, đầy tớ Đức Chúa Trời, đã truyền dạy.” (I Sử Ký 6:49)

“Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời tại đó, trong đồng bằng Mô-áp, theo như lịnh của Đức Giê-hô-va.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:5)

+ Giô-suê là tôi tớ của Đức Chúa Trời:

“Sau các việc ấy, Giô-suê, con trai Nun, tôi tớ của Đức Giê-hô-va, qua đời, tuổi được một trăm mười.” (Giô-suê 24:29)

+ Đa-vít là tôi tớ của Đức Chúa Trời:

“Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi thật là tôi tớ Ngài; Tôi là tôi tớ Ngài, con trai con đòi của Ngài; Ngài đã mở lòi tói tôi.” (Thi Thiên 116:16)

Tôi tớ ta là Đa-vít sẽ làm vua trên chúng nó. Hết thảy chúng nó sẽ có chỉ một kẻ chăn; chúng nó sẽ bước theo các mạng lịnh của ta; chúng nó sẽ gìn giữ các luật lệ của ta và làm theo.” (Ê-xê-chi-ên 37:24)

+ Vua Ba-by-lôn, Nê-bu-cát-nết-sa được kể là đầy tớ của Đức Chúa Trời:

“Nầy, ta sẽ sai đòi mọi họ hàng phương bắc cùng đầy tớ ta là Nê-bu-các-nết-sa, vua Ba- by-lôn, đến nghịch cùng đất nầy, nghịch cùng dân cư nó, và các nước ở chung quanh. Ta sẽ diệt hết chúng nó, làm chúng nó nên sự gở lạ, chê cười, và hoang vu đời đời. Đức Giê- hô-va phán vậy.” (Giê-rê-mi 25:9)

Nê-bu-cát-nết-sa là vua ngoại bang, được Chúa gọi là đầy tớ vì Ngài sử dụng vua như một ngọn roi để trừng phạt dân Giu-đa về tội thờ hình tượng. Ngoài ra, Chúa gọi vua Nê-bu-cát-nết-sa là tôi tớ vì ông đã công nhận Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa và Ngài tể trị mọi việc, ông đã ngợi khen và tôn vinh Ngài (Đa-ni-ên 4:37)

+ Dân Y-sơ-ra-ên được kể là tôi tớ Đức Chúa Trời:

     “Nhưng, hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi là tôi tớ ta …”  (Ê-sai 41:8)

b) Trong Tân Ước:

+ Ma-ri là tôi tớ của Đức Chúa Trời:

“Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:38)

+ Phao-lô là tôi tớ của Đức Chúa Trời:

“Ta, Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Trời và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật.” (Tít 1:1)

+ Giu-đe là tôi tớ của Chúa Jesus:

“Giu-đe, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ và em Gia-cơ, đạt cho những kẻ đã được kêu gọi, được Đức Chúa Trời, là Cha yêu thương, và được Đức Chúa Jêsus Christ giữ gìn.” (Giu-đe 1)

+ Ê-pháp-ra là tôi tớ của Chúa Jesus:

“Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, có lời chào anh em; người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 4:12)

Ê-pháp-ra là bạn thân thiết của Phao-lô, là người phục vụ Chúa rất trung tín (Cô-lô-se 1:7)

+ Ti-chi-cơ là tôi tớ của Chúa:

“Ti-chi-cơ là anh em rất yêu của chúng tôi, một người tôi tớ trung thành của Chúa và bạn cùng làm việc với tôi, sẽ báo tin cho anh em về các việc của tôi.” (Cô-lô-se 4:7)

+ Tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus, được kể là tôi tớ của Ngài:

“Vì kẻ tôi mọi (servant, nên dịch là “đầy tớ”) được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi (servant, nên dịch là “đầy tớ”) của Đấng Christ.”  (I Cô-rinh-tô 7:22)

+ Chúa Jesus dùng một số ẩn dụ về người đầy tớ để giảng dạy: Người đầy tớ không thương xót trong Ma-thi-ơ 18: 23-35; Người đầy tớ trung tín và người đầy tớ xấu trong Ma-thi-ơ 24:43-51; Người đầy tớ và các ta-lâng trong 25:14-30; Người đầy tớ hèn mọn trong Lu-ca 17:7-10. Hình ảnh người đầy tớ trong các ẩn dụ được Chúa dùng để dạy tất cả chúng ta ngày nay, là những người tin nhận Ngài.

Như vậy, tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus, không phân biệt mục sư hay tín đồ, đều được kể là tôi tớ Chúa hay đầy tớ Chúa, là những người hầu việc hay phục vụ Ngài trong bất cứ lãnh vực nào.

3. Ý nghĩa của từ ngữ “con cái Chúa”

Giăng 1:12 là câu định nghĩa rõ ràng nhất về con cái Chúa (children of God):

“Nhưng hễ ai đã tin nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài.”

“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:16)

Ngay sau khi một người tiếp nhận Chúa Jesus, người đó được tái sanh bởi quyền năng của Đức Thánh Linh để trở thành con cái của Chúa (children of God).

“Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài. Ấy là vì đó mà thế gian chẳng biết chúng ta, vì họ chẳng từng biết Ngài.” (I Giăng 3:1)

“Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời.” (Ga-la-ti 3:26)

“Con cái” là từ ngữ mô tả mối liên hệ mang tính chất “gia đình” giữa người con và người cha, cũng vậy, “con cái Chúa” là cụm từ diễn tả mối liên quan mật thiết giữa người được cứu với Cứu Chúa, giữa người tín đồ với Chúa Jesus. Con người nguyên thủy (A-đam và Êva) có sự tương giao với Đức Chúa Trời, sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, mối tương giao với Đức Chúa Trời bị sụp đổ, tội lỗi đã làm ngăn cách con người với Đức Chúa Trời, Kinh Thánh mô tả tình trạng của con người như sau: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác.” (Ê-phê-sô 2:1-3). Người chưa được cứu được gọi là con cái của sự thạnh nộ (children of wrath), chứ không được gọi là con cái của Đức Chúa Trời (children of God) . Tuy nhiên, sau khi tin Chúa Jesus, mối tương giao được tái lập, họ trở nên con cái Đức Chúa Trời, và từ đó chúng ta được phép gọi Chúa là A-ba! Cha! (Rô-ma 8:15; Ga-la-ti 4:6).

Như vậy, tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus, không phân biệt mục sư hay tín đồ, đều được kể là con cái Chúa, không có sự phân nào hết. Không có chổ nào trong Tân Ước dạy rằng chỉ có tín đồ mới được kể là “con cái Chúa”.

4. Kết luận.

“Con cái Chúa” chỉ sự liên hệ cha con giữa người được cứu với Đức Chúa Trời. “Đầy tớ Chúa” chỉ sự liên hệ chủ tớ giữa người được cứu đối với Đức Chúa Trời.

“Con cái Chúa” chỉ về mối tương giao giữa người được cứu với Đức Chúa Trời. “Đầy tớ Chúa” chỉ về sự phục vụ của người được cứu đối với Đức Chúa Trời.

“Con cái Chúa” chỉ địa vị mà Đức Chúa Trời đã phục hồi lại cho con người sa ngã qua sự chuộc tội của Chúa Jesus. “Đầy tớ Chúa” chỉ nếp sống phục vụ của người đã được ở trong địa vị làm con của Chúa.

Theo ý nghĩa của Tân Ước, con người chỉ có thể làm “đầy tớ Chúa” sau khi đã làm “con cái Chúa”. Chúng ta được làm “con cái Chúa” trước khi chúng ta làm “đầy tớ Chúa”. Con người được cứu để phục vụ chứ không phải phục vụ để được cứu.

Như vậy, người tín đồ con cái Chúa mà cũng là đầy tớ Chúa; tương tự như vậy, mục sưcon cái Chúa mà cũng là đầy tớ Chúa. Vậy tại sao chúng ta lại phân biệt mục sư là đầy tớ Chúa, còn tín đồ là con cái Chúa, hoặc mục sư không phải là con cái Chúa, còn tín đồ không phải là đầy tớ Chúa ? Chúng ta có nên tiếp tục giữ nguyên nếp suy nghĩ theo truyền thống đó hay cần thay đổi?

 Bài đọc thêm:      

Chúa Jesus là “đầy tớ” trên cả hai phương diện.

Theo một ý nghĩa rất đặc biệt, Chúa Jesus là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Ê-sai đã nói tiên tri về Chúa Jesus: “Nầy, tôi tớ Ta sẽ làm cách khôn ngoan; sẽ được tôn lên, dấy lên, và rất cao trọng.” (Ê-sai 52:13). Tiên tri Xa-cha-ri chép: “Ta sẽ làm cho đầy tớ Ta là Chồi Mống (Branch) (Xa-cha-ri 3:8). Các tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên nhận biết Chúa Jesus là đầy tớ của Đức Chúa Trời: “Vả, Hê-rốt và Bô-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27).

Tại sao Đức Chúa Jesus vốn là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, lại được gọi là đầy tớ của Đức Chúa Trời? Phi-líp 2:6,7 cho chúng ta câu trả lời: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.” Chúa Jesus vâng theo kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Cha cách trọn vẹn, Ngài thực hiện chương trình cứu rỗi ấy từng bước một, từ lúc được thai dựng trong thân xác con người bởi Đức Thánh Linh cho đến khi hoàn thành công tác chuộc tội cho nhân loại trên thập tự giá. Chúa Jesus thật là Đầy Tớ Thánh của Đức Chúa Trời.

Thế nhưng, Đức Chúa Jesus cũng là đầy tớ của con người. Chính Chúa Jesus tuyên bố: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28). Thật vậy, đời sống của Chúa Jesus trên mặt đất là đời sống phục vụ người khác: Ngoại trừ nhóm người vô tín như Pha-ri-si, hay những người lãnh đạo dân Do Thái cứng lòng, thì tất cả những người còn lại, không một ai ra về … “tay không” mà không nhận được phước hạnh sau khi gặp gỡ Ngài: Người phụ nữ Sa-ma-ri, người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội tà dâm, Ni-cô-đem, Xa-chê, Ma-thi-ơ, Na-tha-na-ên, Phi-e-rơ, những người bị tà ma hay quỷ dữ chiếm hữu, những người đau khổ vì bệnh tật, những gia đình tang chế, tên tội phạm bên thập tự giá, thầy đội La-mã v.v… cuộc đời của những người đó đều được thay đổi sau khi đối diện với Chúa Jesus.

Trước khi Chúa Jesus bước lên thập tự giá, Ngài đã làm một công việc của người đầy tớ: Ngài rửa chân cho các môn đồ của Ngài!

Chúa Jesus muốn dạy chúng ta một bài học: Giống như Chúa Jesus, Cơ-đốc nhân cũng là người “đầy tớ” trên cả hai phương diện: chúng ta là đầy tớ của Chúa và cũng là đầy tớ cho người khác. Chúa Jesus phán: “Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.” (Giăng 13:14) Phao-lô khuyên: “Hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ cho nhau.” (Ga-la-ti 5:13)

Tháng 2, 2013