Trang trí tượng trong nhà có vi phạm điều răn thứ hai?

Trần Đình Tâm

 

Sự thờ lạy hình tượng (idol) là phạm tội với Đức Chúa Trời, vi phạm điều răn thứ hai trong 10 Điều Răn. Tất cả con cái Chúa đều đồng ý như thế. Tuy nhiên, một vấn đề được nêu lên: Những người làm tượng để trang trí trong các công sở, công viên, hay trong nhà có phạm tội không? Con cái Chúa mua tượng về trang trí trong nhà có vi phạm điều răn thứ hai không? Sở dĩ vấn đề nầy được nêu ra vì có người cho rằng trong điều răn thứ hai, Đức Chúa Trời cấm con người làm bất cứ loại hình tượng nào, dù đó là tượng chỉ để trang trí. 

1. Ý nghĩa của điều răn thứ hai:

Chúng ta đọc lại điều răn thứ hai sau:

“Ngươi chớ làm tượng (Image) chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4,5)

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:16-18 giải thích thêm:

“E các ngươi phải làm hư hoại cho mình chăng, và làm một tượng (image) chạm nào, tạo hình trạng của tà thần nào, hoặc hình của người nam hay người nữ, hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời, hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất; lại e khi ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.”

Trong thời Cựu Ước, có hai loại tượng: Tượng tạc (graven image) và tượng đúc (molten image).

Tượng tạc là loại tượng được tạc hay điêu khắc từ đá hay gỗ; tượng đúc là loại tượng người ta tạo ra bằng cách nấu chảy kim loại.

Ê-sai 44:9-17 là phân đoạn Kinh Thánh mô tả người ta tạc tượng từ đá hay gỗ, và đúc tượng từ kim loại:

“Những thợ chạm tượng đều là hư vô, việc họ rất ưa thích chẳng có ích gì …  Ai là kẻ tạo một vì thần, đúc một tượng, mà không có ích chi? ... Thợ rèn lấy một thỏi sắt nướng trên than lửa; dùng búa mà đập, dùng cánh tay mạnh mà làm; mặc dầu đói và kém sức; không uống nước và kiệt cả người. Thợ mộc giăng dây; dùng phấn mà gạch; đẽo bằng cái chàng, đo bằng cái nhíp; làm nên tượng người, giống hình người tốt đẹp, để ở trong một cái nhà. Lại đi đốn cây bách; lấy cây lật, cây dẽ, mà mình đã chọn trong các thứ cây trên rừng; trồng cây thông, mưa xuống làm cho lớn lên. Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm,lấy về mà sưởi. Cùng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì lạy trước mặt nó. Đoạn, gỗ còn thừa lại, làm một vị thần, tức là tượng chạm mình; cúi mình trước mặt nó mà thờ lạy, cầu nguyện nó mà rằng: Xin giải cứu tôi, vì ngài là thần của tôi!”

Chúng ta thấy rõ: Tất cả các câu Kinh Thánh nói về công việc tạc tượng hay đúc tượng đều liên quan đến sự thờ lạy chính các hình tượng được tạc hay đúc ấy. Như vậy, chúng ta có thể kết luận: Đức Chúa Trời nghiêm cấm con người thờ hình tượng và cấm công việc chế tạo hình tượng để thờ lạy.

Như vậy, điều răn thứ hai ghi: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình …” nên được hiểu là chớ làm tượng với mục đích thờ lạy, chứ không có ý nói “chớ làm tượng với mục đích trang trí”.

Nếu Đức Chúa Trời cũng cấm làm tượng với mục đích trang trí, chắc hẳn Chúa sẽ giải thích rõ điều nầy trong luật pháp để dân Y-sơ-ra-ên hiểu rõ và áp dụng cho đúng. Tất cả các trường hợp Cựu Ước nói đến “hình tượng” đều liên quan đến sự thờ lạy hình tượng, không có trường hợp nào bị kể là phạm tội thờ hình tượng mà liên quan đến làm tượng để trang trí. Xin kể một số trường hợp sau:

- Các pho tượng Ra-chên ăn cắp của La-ban (Sáng Thế Ký 31:19)

- Các hình tượng trong nhà Mi-ca (Quan Xét 18:14-17)

- Tượng bằng vàng Vua Nê-bu-cát-nết-sa làm ra và buộc dân chúng quỳ lạy (Đa-ni-ên 3:1)

- Tượng của con thú được tạo ra mà người ta phải thờ lạy trong thời kỳ sau cùng (Khải Huyền 13:14)

Còn đây là vài trường hợp liên quan đến “hình tượng” mà chắc chắn không bị kết tội, vì không liên quan đến sự thờ lạy, chúng ta đừng quên Đức Chúa Trời không hề mâu thuẫn với chính Ngài khi phán dạy loài người điều gì:

- Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se phải làm 2 tượng Chê-ru-bim bằng vàng đặt trên nắp thi ân của rương giao ước. (Xuất Ê-díp-tô Ký 37:7)

- Đức Chúa Trời truyền dạy Môi-se làm con rắn bằng đồng treo trên cây sào (Dân số Ký 21:9)

- Vua Sa-lô-môn làm 2 tượng Chê-ru-bim bằng gổ Ô-li-ve và bọc vàng để tại nơi chí thánh trong đền thờ. (I Các Vua 6:23,28)

- Vua Sa-lô-môn có làm cho mình một ngai bằng vàng ròng có hình 12 con sư tử (II Sử Ký 9:17-19). Đây là những hình tượng với mục đích trang trí mỹ thuật chứ không phải thờ lạy. Sa-lô-môn không hề phạm tội "thờ hình tượng". Nên nhớ vua Sa-lô-môn đã sa vào thờ hình tượng trong lúc tuổi già vì ông kết hôn với những người nữ ngoại bang, chứ không phải vì ông làm các tượng trang trí nầy.

2. Sự ứng dụng điều răn thứ hai:

Điều răn thứ hai có thể chia làm hai phần:

a) “ngươi chớ làm tượng chạm cho mình”: Chỉ về phương diện chế tạo hình tượng. Đức Chúa Trời cấm con người chế tạo ra các loại hình tượng, tất nhiên với mục đích thờ lạy, cúng vái. Vì vậy, những ai kinh doanh ngành làm tượng để thờ lạy là vi phạm điều răn của Chúa, cho dù người đó không thờ lạy các sản phẩm mình làm ra. Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15 cho biết Đức Chúa Trời rủa sả những người chế tạo ra hình tượng: “Đáng rủa sả thay người nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm!”

Trời Cựu Ước chỉ nói đến tượng bằng gổ, đákim loại; ngày nay, do sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu, các hình tượng để thờ lạy có thể được chế tạo từ nhiều loại vật liệu khác.

b) “Chớ quỳ lạy và chớ hầu việc hình tượng”: Chỉ về phương diện thờ lạy và phục vụ hình tượng. Thờ lạy và phục vụ bao gồm các công việc như: Đặt chúng ở những nơi tôn nghiêm, váy lạy, cầu khấn, dâng hoa quả, đốt hương, cúng kiến, chăm sóc, lau chùi v.v…, hay gán cho hình tượng bất cứ ý nghĩa linh thiêng nào.

Chúng ta nên biết rằng tất cả những câu Kinh Thánh nói về làm tượng hay hình tượng, từ ngữ “hình tượng”“image” trong tiếng Anh (“pesel” hay “Pâsal” trong tiếng Hebrew) có nghĩa là bản sao chép lại hình dáng của một người hay một vật. Do đó, hình tượng (image: bản sao chép) mà người ta thờ lạy có thể được chế tạo từ bất cứ loại vật liệu nào hay dưới bất cứ hình thức nào: Hình tượng có thể bằng thạch cao, sứ, thủy tinh, nhựa, vải v.v… ; hoặc hình tượng có thể được vẽ lại hoặc in lại trên lịch, áo quần, đồ dùng trong nhà v.v… Vì các tượng (statue), hình vẽ hay hình in chính là “image” của người hay vật mà người ta muốn thờ lạy (bản sao chép lại hình ảnh của người hay vật mà con người muốn thờ lạy)

Như vậy, image (hình ảnh sao chép) giữ vai trò quan trọng để xác định các loại tượng được chế tạo với mục đích thờ lạy hay chỉ để trang trí.

Có những ngành phục vụ trong đời sống mà người ta cần làm tượng: Tượng người trong ngành Y học, ma-nơ-canh để trang trí áo quần, tượng trong ngành kiến trúc, trang trí mỹ thuật, các loại tượng trang trí trong nhà (ví dụ: tượng Giô-sép, Ma-ri, người chăn chiên, các nhà thông thái được trang trí trong dịp lễ Kỷ niệm Chúa Giáng Sinh; tượng các nhân vật trong phim hoạt hình của Walt Disney; tượng con trâu và người nông dân Việt Nam; tượng 3 cô gái Hà Nội, Huế, Sài-gòn v.v…), thú nhồi bông v.v… các thể loại hình nầy chỉ nhằm mục đích trang trí, vì hình ảnh (image) của hình tượng đó không liên quan gì đến các chủ thể mà người ta muốn thờ lạy. Các trường hợp đó không phải là thờ lạy hình tượng (idol) nên không thể kể là vi phạm đều răn thứ hai.

Các loại tượng điêu khắc mà chúng ta thường thấy đặt nơi công cộng, hoặc đặt tại các nơi tôn nghiêm như trong các nhà thờ, chùa, miếu v.v… như các tượng: Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Ma-ri, Chúa Jesus v.v… hay gán cho nó ý nghĩa thần thánh: Con rồng, con rắn, Thiên sứ, Phao-lô, Phi-e-rơ v.v … đều phải được kể là vi phạm điều răn thứ hai vì các tượng nầy mang hình ảnh (image) chủ thể mà con người muốn thờ lạy.

Con cái Chúa không nên trang trí những hình tượng, hình ảnh, tranh vẽ, tranh khảm v.v… có liên quan đến sự thờ tự, mê tín (như hình ảnh con rồng, con rắn, hình bát giác, ông thổ địa, thần tài v.v…) trong nhà cho dù mình không thờ lạy các hình ảnh đó.

Có ý kiến cho rằng con cái Chúa không được để trong nhà bất cứ hình tượng nào dù chỉ với mục đích trang trí. Trong trường hợp nầy, chúng ta nên cư xử theo nguyên tắc trong Rô-ma 14:3: “Người ăn chớ khinh dễ kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn.” Chúng ta áp dụng như sau: “người trang trí tượng trong nhà chớ khinh dễ người không trang trí tượng; và người không trang trí tượng trong nhà chớ xét đoán người trang trí tượng.”


Tháng 11, 2014