TRUY TÌM NGÀY CHÚA JESUS GIÁNG SINH

Trần Đình Tâm

 

Theo thông lệ, ngày 25 tháng 12 mỗi năm là ngày các Cơ-đốc nhân trên toàn thế giới kỷ niệm Chúa Jêsus giáng sanh. Tuy nhiên, có bao nhiêu con cái Chúa ngày nay đặt câu hỏi: Có thật Chúa Jesus được sanh ra bởi trinh nữ Ma-ri vào ngày 25 tháng 12? Đa số con cái Chúa tin ngày đó là sinh nhật của Chúa Jesus mà không thắc mắc gì. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh cho thấy Chúa Jesus sanh ra vào ngày 24, hay 25 hay bất cứ một ngày nào khác trong tháng 12, hơn nữa, cũng không có bằng chứng trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ cho thấy Hội Thánh đầu tiên trong thế kỷ thứ nhất tổ chức kỷ niệm Chúa Jesus Giáng Sinh. Vậy, Chúa Jesus giáng sanh khi nào? Tân Ước có cung cấp cho chúng ta vài manh mối để truy tìm ra tháng và năm Chúa Jesus ra đời.

 A. Truy tìm tháng Chúa Jesus giáng sanh.

Niên lịch của người Do Thái:

Trước hết, chúng ta cần biết rằng Kinh Thánh sử dụng lịch của người Do Thái để chỉ định thời gian (ngày và tháng) xãy ra các sự kiện. Lịch người Do Thái khác hẳn với lịch ngày nay như sau:

 

Tháng
(Lịch DoThái)

Tên tháng
(Lịch Do Thái)

Tháng
(Lịch ngày nay)

Mùa
(Chung cho 2 lịch)

1
2
3

Nisan
Iyyar
Sivan


    3,4 (March, April)
    4,5 (April, May)
    5,6 (May, June)

Xuân (Spring)

4
5
6

Tammuz
Ab
Ellul


     6,7 (June, July)
     7,8 (July, August)
     8,9 (August, September)

Hè (Summer)

7
8
9

Tishri
Heshvan
Kislev


    9,10 (September, October)
   10,11 (October, November)
   11,12 (November, December)

Thu
(Fall)

10
11
12

Tebeth
Shebat
Adar


    12,1 (December, January)
    1,2 (January, February)
    2,3 (February, March)

Đông (Winter)

 

                               Bảng đối chiếu giữa lịch Do Thái và lịch ngày nay.

1. Căn cứ vào thời tiết tại xứ Do Thái.

Trong đêm Chúa Jesus giáng sanh, có các người chăn chiên trú ngoài đồng để canh giữ bầy chiên. Người chăn chiên Do Thái không để chiên của mình ngoài đồng trong suốt mùa đông, vì khoảng thời gian nầy trời lạnh và có thể có nhiều mưa.

“Trong ba ngày, các người của Giu-đa và Bên-gia-min đều nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem, nhằm ngày hai mươi tháng chín; cả dân sự đều ngồi tại phố ở đằng trước đền của Đức Chúa Trời, rúng sợ về việc ấy và về cơn mưa lớn. Song dân sự đông; và là nhằm mùa mưa, chúng tôi không thể đứng bên ngoài…” (Ê-xơ-ra 10:9,13).

“Bấy giờ là tháng chín; vua đang ngồi trong cung mùa đông, có lò than đỏ trước mặt vua.” (Giê-rê-mi 36:22)

Chúng ta thấy tháng 9 (tháng Kislev theo lịch Do Thái) tương đương với tháng11 và tháng 12 theo lịch ngày nay, là tháng trời có mưa nhiều và lạnh. Vào mùa đông, những người chăn chiên không để chiên ngoài đồng cỏ, nhưng nhốt vào trong chuồng trại. Mùa thích hợp để người chăn dẫn chiên ra đồng và ngủ lại ngoài đồng để giữ chiên là khoảng giữa mùa hè và đầu mùa thu. “Vì kìa, mùa đông đã qua, mưa đã dứt hết rồi.” (Nhã Ca 2:11). Như vậy, Chúa Jesus không thể ra đời vào tháng 12.

Ngoài ra, sự giáng sanh của Chúa Jesus có liên quan đến việc kiểm tra dân số, người dân ở các nơi phải quay trở về sinh quán của mình để đăng ký. Chính quyền La-mã không tổ chức thời hạn đăng ký vào mùa đông, vì thời tiết không thuận lợi cho sự đi lại của nhiều người dân.

 2. Căn cứ vào ngày Chúa Jesus chết trên thập giá.

Chúng ta biết Chúa Jesus bắt đầu thi hành chức vụ lúc Ngài 30 tuổi: “Khi Đức Chúa Jêsus khởi sự làm chức vụ mình thì Ngài độ ba mươi tuổi” (Lu-ca 3:23), Chúa Jesus sống và giảng dạy trên đất trong ba năm rưỡi, và Chúa Jesus bị đóng đinh và chịu chết vào ngày lễ Vượt Qua (Passover). Vậy, chúng ta chỉ cần đếm lui lại 6 tháng kể từ lễ Vượt qua, chúng ta sẽ có được tháng Chúa Jesus ra đời. Chúa chết vào lễ Vượt Qua, nhằm vào tháng Ni-san (Xin đọc bài “Chúa Jesus chịu chết vào ngày nào trong tuần”), theo lịch Do Thái minh họa bên trên, chúng ta đếm lui lại 6 tháng, chúng ta có tháng Tishri. Như vậy, Chúa Jesus giáng sanh vào tháng Tishri, tức tháng 9, khoảng đầu mùa thu.

3. Căn cứ vào sự thi hành chức tế lễ của Xa-cha-ri theo ban A-bi-gia.

   “Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, về ban A-bi-gia, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-
   bét, thuộc về chi phái A-rôn.”
(Lu-ca 1:5)

Xa-cha-ri là thầy tế lễ, thuộc chi phái A-rôn, phục vụ trong đền thờ theo ban A-bi-gia.

Tìm hiểu ban A-bi-gia:

Trong đời trị vì của vua Đa-vít, có nhiều thầy tế lễ thuộc chi phái A-rôn, vua Đa-vít tổ chức sự phục vụ cho các thầy tế lễ như sau:

a) Số các thầy tế lễ được chia ra làm 24 ban.

b) Mỗi ban sẽ phục vụ trong đền thờ 1 tuần lễ, phiên trực bắt đầu từ ngày Sa-bát và chấm dứt vào ngày Sa-bát kế tiếp.

c) Ban thứ nhất bắt đầu phục vụ vào tháng thứ 1 (Nisan).

d) Đối với những tuần có ngày lễ quan trọng, như lễ Vượt qua, lễ Lều Tạm, lễ Ngũ Tuần, các thầy tế lễ đều phải đến đền thờ phục vụ.

Theo I Sử Ký 24:7-19, số thứ tựtên của hai mươi bốn ban được liệt kê như sau:

1. Giê-hô-gia-ríp (Jehoiarib)  2. Giê-đa-ê-gia (Jedaiah)  (I Sử Ký 24:7)

3. Ha-rim (Harim)  4. Sê-rô-im (Seorim)  (I Sử Ký 24:8)

5. Manh-kia (Malchijah)  6. Mia-min (Mijamin)  (I Sử Ký 24:9)

7. Cốt (Hakkoz)  8. A-bi-gia (Abijah) (I Sử Ký 24:10)

9. Giê-sua (Jeshuah)  10. Sê-ca-ni (Shecaniah)  (I Sử Ký 24:11)

11. Ê-li-a-síp (Eliashib)  12. Gia-kim (Jakim)  (I Sử Ký 24:12)

13.Húp-ba (Huppah) 14. Giê-sê-báp (Jeshebeab)  (I Sử Ký 24:13)

15. Binh-ga (Bilgah)  16. I-mê (Immer)  (I Sử Ký 24:14)

17. Hê-xia (Hezir)  18. Phi-xết (Aphses)  (I Sử Ký 24:15)

19. Phê-ta-hia (Pethahiah)  20. Ê-xê-chi-ên (Jehezekel)  (I Sử Ký 24:16)

21. Gia-kin (Jachim)  22. Ga-mun (Gamul)  (I Sử Ký 24:17)

23. Đê-la-gia (Delaiah) 24. Ma-a-xia (Maaziah)  (I Sử Ký 24:18)

Chúng ta có thể thiết lập bảng phân công phiên trực của 10 ban đầu (có ban A-bi-gia)  trong 3 tháng đầu như sau:

 

  Tuần lễ 1 Tuần lễ 2 Tuần lễ 3 Tuần lễ 4
Tháng Nisan
(Tháng 3,4)
Ban 1
Giê-hô-gia-ríp
Ban 2
Giê-đa-ê-gia
Tuần lễ ăn bánh
không men
Ban 3
Ha-rim
Tháng Iyyar
(Tháng 4,5)
Ban 4
Sê-rô-im
Ban 5
Manh-kia
Ban 6
Mia-min
Ban 7
Cốt
Tháng Sivan
(Tháng 5,6)
Lễ Ngũ Tuần Ban 8
A-bi-gia
Ban 9
Giê-sua
Ban 10
Sê-ca-ni

 

Theo thời khóa biểu trên, Xa-cha-ri thuộc ban A-bi-gia, là ban thứ 8, ông phục vụ trong đền thờ vào tuần lễ thứ hai của tháng Sivan (tháng 5, 6 theo lịch ngày nay).

Khi Xa-cha-ri đang phục vụ trong đền thờ, thiên sứ của Chúa hiện đến và báo tin cho ông biết Ê-li-sa-bét, vợ ông sẽ mang thai. Chúng ta biết thai ấy là Giăng Báp-tít. Lu-ca 1:24 cho biết: “Khỏi ít lâu, vợ người là Ê-li-sa-bét chịu thai.” Vì “khỏi ít lâu” kể từ khi thiên sứ báo tin, nên Ê-li-sa-bét chắc mang thai vào cuối tháng tháng Sivan. Thời gian Ê-li-sa-bét mang thai là 9 tháng 10 ngày, như vậy, giăng Báp-tít ra đời vào tháng Nisan.  

Ngoài ra, Ma-ri được thiên sứ báo tin bà sẽ mang thai Chúa Jesus ngay vào lúc Ê-li-sa-bét mang thai Giăng được 6 tháng: “Kìa, Ê-li-sa-bét, bà con ngươi, cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; người ấy vốn có tiếng là son, mà nay cưu mang được sáu tháng rồi.” (Lu-ca 1:36). Căn cứ vào lời báo tin của thiên sứ, chúng ta biết được Giăng Báp-tít chào đời trước Chúa Jesus 6 tháng. Như vậy, chúng ta cộng thêm 6 tháng vào tháng sanh của Giăng Báp-tít để có được tháng sanh của Chúa Jesus: Chúa Jesus giáng sanh vào tháng Tishri, là tháng 9 (september) theo lịch ngày nay.

B. Truy tìm năm Chúa Jesus giáng sanh.

1. Căn cứ vào năm trị vì của hoàng đế La-mã Sê-sa Ti-be-rơ (Tiberius Caesar).

   “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ (Tiberius Caesar), khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng đốc xứ Giu-đê, Hê-
    rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê.”
(Lu-ca 3:1)

Lu-ca 3:1-22 tường thuật Giăng Báp-tít đang giảng dạy phép Báp-têm về sự ăn năn để được tha tội cho dân Giu-đa, sự kiện nầy xãy ra vào năm thứ 15 đời cai trị của hoàng đế La-mã Sê-sa Ti-be-rơ. Lịch sử các hoàng đế La-mã cho thấy Sê-sa Ti-be-rơ cai trị trên đế quốc từ năm 14AD đến 37AD. Như vậy, năm trị vì thứ 15 sẽ là 28AD, được minh họa qua bảng đối chiếu sau:

 

 Số năm cai trị của Ti-be-rơ

thứ 1   thứ 2   thứ 3   -   -   -   thứ 13   thứ 14   thứ 15   thứ 16

 
Niên lịch

 

 
14AD   15AD   16AD   -   -   -     26AD    27AD     28AD     29AD

 

Trong khoảng thời gian nầy (năm 28AD), Giăng làm phép Báp-têm cho Chúa Jesus, mở đầu cho chức vụ công khai của Chúa Jesus. Chúng ta đã biết Chúa Jesus bắt đầu chức vụ lúc Ngài 30 tuổi. Như vậy, khi đếm ngược lại cho đến năm Chúa Jesus ra đời, chúng ta sẽ có năm 3BC.  

Chú ý: Khi đếm, chúng ta không đếm năm 0, vì không có năm 0:

 

 
Niên lịch

 
3BC     2BC    1BC   1AD   2AD    -   -   -   26AD   27AD   28AD

Tuổi của
Chúa Jesus

 

Chúa
giáng   1        2        3       4     -   -   -     28       29        30
sanh

 

  

 2. Căn cứ vào năm Hê-rốt đại đế qua đời.

Năm Chúa Jesus giáng sanh có liên quan đặc biệt với năm vua Hê-rốt qua đời, cũng như liên quan đến sự kiện Hê-rốt ra lệnh giết các bé trai 2 tuổi trở xuống trong thành Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ chương 2).

Để xác định năm vua Hê-rốt qua đời, người ta dựa vào các dữ kiện sau đây:

a) Hiện tượng nguyệt thực:

Sử gia Josephus cho biết Hê-rốt qua đời trong thời gian sau khi xãy ra nguyệt thực (Lunar Eclipse) (nhìn thấy từ thành Giê-ru-sa-lem và thành Giê-ri-cô) và trước Lễ Vượt Qua. Chúng ta biết Lễ Vượt Qua nhằm vào tháng Nisan (tháng 3,4 theo lịch ngày nay). Người ta ghi nhận có 4 lần xãy ra nguyệt thực có liên quan đến ngày chết của Hê-rốt:

1. Nguyệt thực ngày 15 tháng 9, 5BC:

   Nhận xét: Không hợp lý, vì ngày nầy đã qua khỏi Lễ Vượt Qua.

2. Nguyệt thực bán phần ngày 13 tháng 3, 4BC. Lễ Vượt Qua nhằm ngày 12 tháng 4, 4BC

Nhận xét: Căn cứ vào dữ kiện trên, đa số các tài liệu đều kết luận Hê-rốt qua đời vào năm 4BC. Tuy nhiên, giữa hiện tượng nguyệt thực và Lễ Vượt Qua nêu trên chỉ có 29 ngày. Khoảng thời gian ngắn ngủi nầy không phù hợp cho nhiều sự kiện xãy ra như sau:

+ Một phần thi thể của Hê-rốt bị nhiểm trùng nặng, được đem đi tẩy rửa đặc biệt trên đoạn đường 16 Km.

+ Những nhân vật quan trọng cư trú trong phạm vị 30km đến 120Km được thông báo về cái chết của vua và họ được mời đến tham dự tang lễ.

+ Tang lễ được chuẩn bị quy mô, được tổ chức trọng thể và đoạn đường di quan dài 37km.

+ Có một tuần lễ để tang sau tang lễ.

+ Thêm một khoảng thời gian để tang đặc biệt dành cho nhữ người yêu nước qua đời.

Những nhà nghiên cứu sử học cho biết có nhiều sự kiện xãy ra mà thời gian lại quá ngắn, nên không hợp lý nếu kết luận Hê-rốt qua đời vào năm 4BC.

3. Nguyệt thực toàn phần ngày 9 tháng 1, 1BC. Lễ Vượt Qua nhằm ngày 6 tháng 4, 1BC

Nhận xét: Có khoảng gần 12 tuần lễ giữa nguyệt thực toàn phần và Lễ Vượt Qua, vua Hê-rốt qua đời trong khoảng thời gian nầy thì hợp lý hơn cả. Vậy chúng ta có thể kết luận vua Hê-rốt chết vào năm 1BC.

4. Nguyệt thực toàn phần lần thứ hai ngày 29 tháng 12, cùng năm 1BC.

b) Ngày kỷ niệm Hê-rốt qua đời.

Dân Do Thái kỷ niệm ngày Hê-rốt qua đời vào ngày 2 tháng Shebat (tháng 2 theo lịch ngày nay), sự kiện nầy chứng minh rằng Hê-rốt không thể qua đời vào năm 4BC như nhiều người công nhận, vì ngày 2 tháng Shebat không liên quan gì đến khoảng thời gian Hê-rốt qua đời giữa nguyệt thực bán phần vào ngày 13 tháng 3 và Lễ Vượt Qua 12 tháng 4 trong năm 4BC. Trong khi đó, ngày 2 tháng Shebat nằm trong khoảng thời gian có nguyệt thực toàn phần và Lễ vượt Qua trong năm 1BC. Như vậy, Hê-rốt qua đời vào năm 1BC.

c) Thời gian cai trị của Hê-rốt.

Hê-rốt được chính quyền La-mã bổ nhiệm làm vua xứ Giu-đê cuối năm 39BC, vào mùa đông. Triều đại Hê-rốt bắt đầu từ năm 38BC. Sử gia Josephus cho biết Hê-rốt cai trị Giu-đê trong 37 năm. Như vậy, ta có năm 1BC là năm Rê-rốt qua đời.

Chúng ta biết Hê-rốt chết năm 1BC, căn cứ vào Ma-thi-ơ 2:16: “Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết.” Trước khi qua đời, Hê-rốt ra lệnh giết các bé trai trong thành Bết-lê-hem từ hai tuổi trở xuống, chúng ta biết Chúa Jesus đã hơn 1 tuổi nhưng dưới 2 tuổi. Từ đó, chúng ta có thể kết luận Chúa Jesus ra đời vào năm 3BC hay sớm hơn.

C. Truy tìm ngày Chúa Jesus giáng sanh.

Chúng ta có thể biết được ngày nào trong tháng 9 Chúa Jesus ra đời? Không ai dám khẳng định ngày nào, vì thiếu bằng chứng lịch sử. Tuy nhiên, một số nhà giải kinh cho rằng Chúa Jesus sanh ra vào ngày 15 tháng 9 (tháng Tishri), dựa vào ý nghĩa thần học của sự kiện Chúa sáng sanh:

“Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày rằm tháng bảy nầy là lễ lều tạm, trải qua bảy ngày đặng tôn kính Đức Giê-hô-va.” (Lê-vi Ký 23:34)

Theo luật pháp Đức Chúa Tời ban cho dân do Thái, một trong 3 ngày lễ trọng đại hàng năm mà người Do Thái phải giữ, là Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều Tạm. Lễ lều Tạm bắt đầu ngày 15 tháng 7 (tháng 7 của lịch Do Thái là tháng Tishri) tức là ngày 15 tháng 9 lịch ngày nay. Lễ Lều Tạm trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “mishkân”, dịch sang Anh ngữ là “tabernacles”, có nghĩa là “ở” hay “cư trú”. Cựu Ước dùng “tabernacles” chỉ về “đền tạm” hay “hội mạc” trong thời Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:20; 38:21), là nơi Đức Chúa Trời hiện diện với dân Y-sơ-ra-ên, và dân Y-sơ-ra-ên chứng kiến sự vinh hiển của Chúa đầy dẫy trong đền tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:34,35).

Chúng ta đọc Giăng 1:14: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Ngôi Lời là Chúa Jesus đã đến thế gian trong thân xác con người, Ngài ở giữa chúng ta (từ ngữ “ở giữa” theo ngôn ngữ Hy-lạp, tương đương với từ “tabernacles”). Ê-sai nói tiên tri về sự giáng sanh của Chúa Jesus: “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên cho con trai đó  là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Ma-thi-ơ 1:23). Như vậy, theo ý nghĩa thần học về sự giáng sanh của Chúa Jesus, một số người cho rằng Chúa sanh ra vào ngày 15 tháng 9, tương đương với 15 tháng 7 theo lịch Do thái, là ngày dân Y-sơ-ra-ên kỷ niệm Lễ Lều Tạm.

D. Kết Luận:

Bài viết nầy chỉ nhằm chứng minh rằng Chúa Jesus giáng sanh vào tháng 9, chứ không phải tháng 12 như truyền thống giữ lễ của các Hội Thánh ngày nay. Tuy nhiên, dù có sự hiểu sai về ngày tháng, nhưng ý nghĩa thần học về sự giáng sinh của Chúa Jesus thì không có gì thay đổi: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14). Chúa Jesus là Đức Chúa Trời mang thân xác con người, Ngài đến thế gian để chịu chết chuộc tội cho nhân loại: “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác 10:45)

 Tháng 11, 2013

Tài liệu tham khảo:

http://askelm.com/star/star006.htm

http://www.versebyverse.org/doctrine/birthofchrist.html

http://home.comcast.net/~murrellg/Herod.htm

http://www.ldolphin.org/birth.html

http://petragrail.tripod.com/page5.html

http://www.truthortradition.com/modules.php?file=article&name=News&sid=468