Ý nghĩa của “Rev”

Trần Đình Tâm
tamtran1561@yahoo.com

 

Đôi khi, chúng ta thấy chữ “Rev” đi kèm với tên họ của một người có vị thế cao trong tổ chức giáo hội (như mục sư, giáo sĩ, tu sĩ v.v…). “Rev” có nghĩa là gì và dùng như thế có phù hợp không?

1. Ý nghĩa của “Rev”

Từ ngữ “Rev” là chữ viết tắt của từ “Reverend” (tiếng Anh).

Về mặt văn phạm, có 2 cách dùng từ “reverend”:

1/ Reverend là một tính từ (adjective), có nghĩa là “đáng tôn kính”, “đáng kính trọng”, hay “đáng tôn sùng”.

Theo nghĩa trên, từ “reverend” trong Kinh Thánh chỉ được dùng cho Đức Chúa Trời mà thôi, chứ không thấy dùng cho bất cứ người nào.

“Reverend” được dùng trong Thi Thiên 111:9 để tôn cao Chúa: “Ngài đã sai cứu chuộc dân Ngài, Truyền lập giao ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng kính sợ (reverend)

Hãy chú ý thêm trong câu Thi Thiên 111:9 ở trên, chẳng những “reverend” dùng cho Chúa, nhưng “reverend” còn đi chung với “thánh” (holy) nữa. Bản tiếng Anh ghi rõ: “holy and reverend is his name”, có nghĩa “Danh Chúa là thánhđáng tôn kính.” Điều nầy cho thấy “thánh” và “đáng tôn kính” ngang hàng với nhau. Do đó, “holy” hay “reverend” chỉ thích hợp dành cho Chúa.

2/ Reverend là một danh từ (noun), được viết tắt là “Rev” (chữ “R” viết hoa), dùng kèm với tên của một nhân vật quan trọng trong Giáo Hội trong cương vị lãnh đạo, nhằm tôn kính người đó. Cách dùng “Rev” đi kèm tên nhân vật quan trọng có nguồn gốc từ Giáo Hội Công Giáo La-mã. Chúng ta biết rõ có sự phân biệt “giai cấp” trong Giáo Hội Công Giáo: Những người được đào tạo trong trường lớp, có bằng cấp, có học vị, được phong chức và được đề cử vào những chức vụ cao trong Giáo Hội, những người nầy thuộc về hàng giáo phẩm hay tăng lữ (clergy). Ví dụ:

Rev. John Smith” có nghĩa “Cha John Smith”

The Rev. John Smith” có nghĩa “Đức cha John Smith”

The Right Reverend John Smith” có nghĩa “Đức Giám Mục John Smith”

The Most Reverend John Smith” có nghĩa “Đức Tổng Giám Mục John Smith”

Trong các hệ phái Tin Lành ngày nay, đôi khi chúng ta có thể thấy “Rev” đi kèm tên họ của một mục sư hay giáo sĩ nào đó.

Cách dùng từ “Reverend” như trên cũng không hề thấy dùng trong Kinh Thánh.

2. Vấn đề tôn sùng cá nhân:

Trong con người nói chung, luôn có khuynh hướng cho mình quan trọng và cũng muốn được người khác công nhận điều đó. Điều đó thấy rõ ở những người có địa vị, có học vị hay bằng cấp cao trong xã hội. Bản chất đó cũng có ở những Cơ-đốc nhân có học vị cao hơn những người khác trong cộng đồng con dân Chúa hay trong các tổ chức Hội Thánh. Chính các sứ đồ mà Chúa Jesus lựa chọn khi xưa cũng không thoát khỏi bản tính tự tôn đó. Có một lần các sứ đồ đã tranh cãi với nhau xem ai là quan trọng hơn trong số họ: “Đến thành Ca-bê-na-um, đang ở trong nhà, Ngài hỏi môn đồ rằng: Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau? Môn đồ đều làm thinh; vì dọc đường đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình.” (Mác 9:33,34; Lu-ca 9:46), sau đó Chúa Jesus đã dạy họ một bài học muôn thuở: “Vì kẻ nào hèn mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao trọng.” (Lu-ca 9:48)

Người pha-ri-si và các thầy dạy luật trong thời Chúa Jesus là những người thích người khác đề cao mình, tôn sùng mình. Chúa Jesus đã bộc lộ bản chất của họ cho các môn đồ của Chúa thấy: “Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài; ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội; muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy!” (Ma-thi-ơ 23:5-7)

Rồi ngay sau đó Chúa Jesus dạy các môn đồ của Ngài:

“Nhưng các ngươi đừng để người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em.” (Ma-thi-ơ 23:8)

Lời dạy của Chúa Jesus nêu trên có 3 ý rõ ràng cho các môn đồ của Chúa và cho tất cả chúng ta ngày nay:

+ Đừng để người ta gọi mình là thầy: Có thể bản thân của người được gọi là “thầy” không chủ động yêu cầu người khác gọi mình là “thầy”, người “thầy” nầy không có lỗi gì cả, vì người khác gọi mình là “thầy”; tuy nhiên Chúa Jesus cảnh báo: Không nên để cho người khác gọi mình là “thầy”, người nầy phải lên tiếng cho biết là bản thân mình không muốn vậy. Nếu im lặng tức là đồng ý. Lời Chúa Jesus dạy rất rõ: “Đừng để người ta gọi mình là thầy.” Chúa muốn dạy đừng để người khác có cơ hội tôn mình lên.

+ Chúng ta chỉ có một Thầy: Là Chúa. Người Thầy của chúng ta đã đến thế thế gian không phải để người khác phục vụ mình, những để phục vụ người khác và phó mạng sống mình để cứu chúng ta (Ma-thi-ơ 20:28). Người Thầy của chúng ta đã trở nên người đầy tớ rửa chân cho người khác (Giăng 13:14). Người Thầy của chúng ta đã để lại một tấm gương để chúng ta cũng làm như vậy đối với anh em mình (Giăng 13:15).  

+ Chúng ta thảy đều là anh em: Tất cả chúng ta đều là anh em theo ý nghĩa thuộc linh vì đều được cứu bởi ân điển của Chúa. Nếu Chúa kể chúng ta là anh em thì việc phân chia thứ bậc trong Hội Thánh là phạm tội với Chúa. Trong Hội Thánh của Chúa chỉ có những chức vụ hay chức việc khác nhau (chỉ về các ân tứ khác nhau Đức Thánh Linh ban cho mỗi người), chứ không có giai cấp “hàng giáo phẩm” và “tín đồ”; không có giai cấp “tôi tớ Chúa” và “con cái Chúa” như tình trạng của Hội Thánh ngày nay.

[Xin lưu ý: Bài học về việc gọi người khác là “thầy” nêu trên không áp dụng trong môi trường Học Đường. Chúng ta thường gọi người truyền dạy kiến thức cho chúng ta là “thầy”, “cô” thì không có gì sai trái với Lời Chúa dạy]

3. Vấn đề danh xưng kèm theo học vị hay tước vị:

Nếu chúng ta đọc các sách Thư Tín hay Công Vụ Các Sứ Đồ, trong các trường hợp giới thiệu về một người nào đó, hay đơn thuần chỉ nhắc lại tên của một người nào đó, sẽ thấy rằng không có trường hợp nào các nhân vật tự đặt tước vị (title) cho tên của mình hoặc gán tước vị cho tên của người khác, dù người đó là người có học thức hoặc là người lãnh đạo, coi sóc Hội Thánh.

Khi sứ đồ Phi-e-rơ nói về sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ không dùng tước vị gán cho Phao-lô (Rabbi Paul, Rev. Paul … ) nhưng nói Phao-lô là người anh em: “Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao lô, anh rất yêu dấu (beloved brother) của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thơ cho anh em vậy.”  (II Phi-e-rơ 3:15)

Tương tự như trên, khi Phao-lô nói về bác sĩ Lu-ca, ông cũng không dùng tước vị gán cho Lu-ca, ông chỉ nói Lu-ca là thầy thuốc rất yêu dấu: “Lu-cathầy thuốc rất yêu dấu (beloved physician), chào anh em, Đê-ma cũng vậy.” (Cô-lô-se 4:14)  

Tóm lại, Phao-lô chỉ ra một nguyên tắc đối xử với những người lãnh đạo trong Hội Thánh, ông khyên Ti-mô-thê: “Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ.” (I Ti-mô-thê 5:17). Đối với những người lãnh đạo, hướng dẫn Hội Thánh, các thành viên phải có thái độ kính trọng họ, nhất là những người giảng dạy Lời Chúa, điều nầy không có nghĩa là phải gán cho họ tước vị “Rev.” Còn đối với những người lãnh đạo, cần vâng theo lời dạy của Chúa Jesus và sống theo gương của Chúa Jesus: “Ngài để lại cho anh em một tấm gương, hầu cho anh em noi theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21)

 

Tháng 7, 2021