Ý nghĩa và mục đích của Tiệc Thánh

                                                                      Trần Đình Tâm

 

 

Mỗi Chủ Nhật đầu tháng, con cái Chúa trong các Hội thánh tổ chức tham dự Tiệc Thánh. Nếu chúng ta dự Tiệc Thánh theo thói quen và chỉ chú trọng đến nghi thức bề ngoài mà không hiểu ý nghĩa và mục đích thật sự của Tiệc Thánh, thì sự tham dự Tiệc Thánh sẽ không đem lại những lợi ích nào cho đời sống tâm linh của chúng ta. Do đó, để dự Tiệc Thánh một cách có ý nghĩa, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của bánhnước nho trong Tiệc Thánh và hiểu được Jesus muốn chúng ta dự Tiệc Thánh với mục đích gì.

 

                                                A. Ý nghĩa của Tiệc Thánh:

 

1. “Nầy là thân thể ta”, “Nầy là huyết ta” có nghĩa gì?

    “Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta.” (Lu-ca
     22:19)

     Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; Nầy là huyết ta.” (Ma-thi-ơ
     26:27)

Chúng ta nên hiểu như thế nào khi Chúa Jesus cầm bánh và nói “Nầy là thân thể ta”, và cầm chén và nói: “Nầy là huyết ta”? Có phải sau lời phán của Chúa Jesus, bánh biến hóa thành thịtcủa Chúa? Nước nho chuyển đổi thành huyết của Chúa? Có bốn quan điểm khác nhau giải thích vấn đề nầy:

1. Thuyết biến thể (transubstantiation): Những người theo thuyết biến thể tin rằng sau lời truyền phán của Chúa, bánhnước nho biến hóa thành thịt thật và huyết thật của Chúa Jesus. Đây là giáo lý được Giáo Hội Công Giáo La-mã công nhận và truyền dạy cho tín đồ tin theo. Trong sự thực hành Thánh Lễ, sau khi vị linh mục tuyên bố “Nầy là thận thể ta”, “Nầy là huyết ta” thì bánh và rượu nho (người Công Giáo dùng rượu nho) biến thành thịthuyết thật của Chúa mặc dù nhìn bên ngoài vẫn là bánh và rượu nho.

2. Thuyết đồng thể (consubstantiation): Thuyết nầy gần giống như thuyết biến thể nêu trên, do nhà cải chánh Martin Luther chủ xướng. Ông tin rằng chỉ bởi đức tin, bánhnước nho mới thật sự biến hóa thành thịthuyết thật của Chúa. Điểm khác biệt so với thuyết biến thể nêu trên là bánh và nước nho chỉ chuyển hóa thành thịt và huyết thật của Chúa bởi đức tin của người nhận lãnh tiệc thánh. Nếu không có “đức tin”, thì bánh vẫn là bánh, nước nho vẫn là nước nho: sự biến thể không xãy ra.

3. Thuyết thuộc linh (spiritual): Quan điểm nầy được hệ phái Tin Lành Trưởng Lão (Presbyterian) và những người ủng hộ trường phái John Calvin chấp nhận. Những người theo thuyết thuộc linh tin rằng không có sự biến hóa bánhnước nho thành thịt và máu thật (physical) của Chúa, nhưng có sự hiện diện của Chúa trong bánh và nước nho theo ý nghĩa thuộc linh (spiritual). Vì quan điểm nầy cho rằng bánhnước nho mang ý nghĩa thiêng liêng, do đó khi chuẩn bị bánhnước nho cho sự phục vụ Lễ Tiệc Thánh, người ta rất cẩn thận trân trọng bánh và nước nho, vì họ kể bánhnước nho như những vật thánh.

4. Thuyết biểu tượng (symbol): Đa số các hệ phái Tin Lành đều tin rằng bánhnước nho làm biểu tượng cho thân thểhuyết của Chúa. Quan điểm nầy khác với quan điểm thuộc linh nêu trên ở chỗ: Vì bánhnước nho chỉ là tượng trưng nên không có ý nghĩa thiêng liêng hay thần thánh. Khi Chúa cầm bánh và nói “Nầy là thân thể ta”, hay cầm chén nói “Nầy là huyết ta”, có nghĩa là “bánh nầy tượng trưng cho thân thể ta” và “nước nho nầy tượng trưng cho huyết ta”. Đây là cách mà Chúa Jesus thường dùng để giảng dạy: Ngài dùng những hình ảnh trong đời sống thực tế để dẫn đưa người nghe đến chân lý. Ví dụ: Chúa dùng hình ảnh cái cửa: “Ta là cái cửa: nếu ai bởi ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi” (Giăng 10:9); con đường: “Ta là đường đi … chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6); gốc nho: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sanh ra lắm trái.” (Giăng 15:5). Chúng hiểu ngay hình ảnh cái cửa, con đường, gốc nho làm tượng trưng cho Chúa Jesus. Ngoài ra, khi Chúa cầm bánh và nói “Nầy là thân thể ta” thì thân thể Chúa đang hiện diện với các sứ đồ, thân thể của Chúa và bánh Chúa đang cầm trên tay là hai thực thể hoàn toàn riêng biệt. Hơn nữa, sau khi Chúa nói “Nầy là huyết ta” Chúa lại nói tiếp “từ nay về sau, ta không uống trái nho nầy nữa …” điều nầy cho thấy nước nho vẫn là nước nho! Do đó, chúng ta không chấp nhận quan điểm cho rằng bánh và nước nho đã chuyển hóa thành thịt và huyết thật của Chúa.

2. Ý nghĩa của “bánh” và “nước nho”:

Trước hết, chúng ta cần chú ý đến bối cảnh Chúa Jesus thiết lập Tiệc Thánh: Chúa thiết lập Tiệc Thánh trong buổi ăn Lễ Vượt Qua của dân Do Thái. Dân Do Thái tổ chức Lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày tổ phụ họ ra khỏi Ai-cập, thoát khỏi kiếp sống nô lệ. Điểm quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất trong Lễ Vượt Qua đầu tiên là có một con chiên bị giết, người ta lấy huyết của con chiên bôi lên khung cửa. Gia đình nào làm đúng như vậy sẽ được sống và ra khỏi Ai-cập.

Như vậy, Chúa Jesus thiết lập Tiệc Thánh ngay trong ngày người Do Thái dự Lễ Vượt Qua nhằm mục đích bày tỏ cho người Do Thái cũng như cho chúng ta ngày nay hiểu rõ chân lý quan trọng sau đây: Chính Ngài là Chiên Con chịu chết để giải thoát con người ra khỏi sự nô lệ của tội lỗi. Thật vậy, sáng ngày hôm sau (cũng trong ngày Lễ Vượt Qua) Chúa Jesus đã bị đóng đinh và chết trên thập giá. Khi Chúa Jesus bắt đầu thi hành chức vụ, Giăng Báp-tít đã nói tiên tri về Chúa Jesus: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian.” (Giăng 1:29). Sau khi Chúa Jesus chết và sống lại, Phao-lô xác nhận: Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.” (I Cô-rinh-tô 5:7).

Tiệc thánh gồm có bánhnước nho, cả hai cùng chỉ về sự hy sinh của Chúa Jesus, tuy nhiên, bánhnước nho hàm chứa ý nghĩa riêng cho mỗi thứ.

Ý nghĩa của bánh:

     Nầy là thân thể (body) ta, vì các ngươi mà phó cho.” (Lu-ca 22:19)

Chúa Jesus đã nói rõ ý nghĩa của bánh như sau: “Vì các ngươi mà phó cho”. Bánh tượng trưng cho thân thể (body) của Chúa. Thân thể của Chúa bị treo trên thập tự giá, chịu đau đớn cho đến chết vì tội của chúng ta. Phi-e-rơ giải thích giáo lý nầy rất rõ: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình.” (I Phi-e-rơ 2:24).

Trước mặt Đức Chúa Trời, sự chết của Chúa Jesus là sự dâng thân thể giống như con sinh tế (chiên con) trong thời Cựu Ước bị giết chết để người phạm tội được tha tội. Tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết hình ảnh con sinh tế chịu chết trong thời Cựu Ước chính là hình bóng về sự dâng thân thể của Chúa Jesus: Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.” (Hê-bơ-rơ 9:26).

Trong khi dự Tiệc Thánh, bởi đức tin mà chúng ta được Chúa tha tội. được Chúa rửa sạch tội và hơn nữa, được nên thánh như Lời Chúa đã hứa: Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.” (Hê-bơ-rơ 10:10)

Ý nghĩa của nước nho:

     Nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26:28)

     “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:20)

Nước nho tượng trưng cho huyết của Chúa Jesus đã đổ ra trên thập giá vì chúng ta. Huyết của Chúa chỉ về huyết của giao ước, nhưng đây là giao ước mới, khác với giao ước cũ trong Cựu Ước.

Giao ước cũ là giao ước được lập bởi huyết của con sinh tế. Giao ước cũ được thiết lậpgiữa Đức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên: “Môi-se ghi chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va … Đoạn người cầm quyển sách giao ước đọc cho dân sự nghe, … Môi se bèn lấy huyết (huyết của con sinh tế) rưới trên mình dân sự mà nói rằng: Đây là huyết giao ước của Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi y theo mọi lời nầy.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:4-8). Giao ước cũ bao gồm toàn bộ Luật Pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, còn gọi là Luật Pháp Môi-se.

Giao ước mới là giao ước được lập bởi huyết của Chúa Jesus. Giao ước nầy được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và tất cả mọi người tin nhận Chúa Jesus. Chúa Jesus chịu chết như một con sinh tế. Tác giả thư Hê-bơ-rơ giải thích: “Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22). Vì thế, huyết của Chúa Jesus đổ ra trên thập giá được gọi là huyết của giao ước mới. Tất cả những giáo lý được viết ra trong Tân Ước được kể là viết trong giao ước mới, tức là giao ước được viết trong huyết Chúa Jesus.

Trong Tiệc Thánh, nước nho làm hình bóng về huyết Chúa Jesus, khi uống bởi đức tin, chúng ta nhận được tha tội bởi huyết của Ngài: “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.” (Khải Huyền 1:6)

 

                                                        B. Mục đích của Tiệc Thánh:

 

Căn cứ vào Kinh Thánh, chúng ta học được 3 mục đích mà Chúa Jesus muốn chúng ta hiểu mỗi khi tham dự Tiệc Thánh:

1. Để tưởng nhớ sự chết của Chúa Jesus:

     “Hãy làm điều nầy để nhớ ta” (I Cô-rinh-tô 11:24)

Vì Chúa Jesusphán: “hãy làm điều nầy để nhớ ta”, nên rõ ràng là Chúa muốn chúng ta giữ lễ tiệc thánh là để nhớ, hay tưởng niệm (remembrance) đến sự chết của Chúa trên thập giá vì chúng ta.

    “Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, đã vì các
     ngươi mà phó cho
; hãy làm điều nầy để nhớ đến ta.”

Tại thập tự giá, chúng ta thấy được tình yêu của Chúa Jesus. Có nhiều “dạng” tình yêu, nhưng không có tình yêu nào lớn bằng tình yêu phó sự sống, vì “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.” (Giăng 15:13). Tình yêu của Chúa Jesus là tình yêu tận hiến, Chúa tình nguyện chịu lấy thập tự giá vì chúng ta. Ngài chết để chúng ta được sống.

Tình yêu của Chúa Jesus là tình yêu lạ lùng. Phao-lô mô tả tình yêu của Chúa Jesus có bốn chiều: chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu (Ê-phê-sô 3:18).

Chiều rộng tình yêu của Chúa: Đó là tình yêu không biên giới: Chúa yêu tất cả mọi người trên thế gian nầy, không phân biệt màu da, chủng tộc, địa vị xã hội v.v…: “Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2)

Chiều dài tình yêu của Chúa: Đó là tình yêu bất diệt, không thay đổi theo năm tháng: “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1)

Chiều sâu tình yêu của Chúa: Đó là tình yêu hy sinh: Chúa từ trên trời cao, trên ngôi vinh hiển, đã xuống tận thế giới loài người: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:6-8)

Chiều cao tình yêu của Chúa: Đó là tình yêu ban thưởng: Dù chúng ta không ra gì, nhưng bởi tình yêu của Chúa, Ngài sẽ đem chúng ta lên với Ngài trên nơi cao trên trời: “Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Ê-phê-sô 2;6)

Tình yêu bốn chiều của Chúa thật lạ lùng, đến nỗi Phao lô nói rằng sự hiểu biết về tình yêu của Chúa Jesus là sự trổi hơn mọi sự thông biết (Ê-phê-sô 3:19). Do đó, chúng ta phải thường xuyên dự tiệc thánh để suy gẫm về tình yêu của Chúa Jesus.

Mặc dù chúng ta dự tiệc thánh để kỷ niệm sự chết của Chúa Jesus, nhưng không phải tham dự với thái độ buồn rầu, sầu khổ như người đi dự đám tang, nhưng tham dự với tâm trạng biết ơn Chúa và vui mừng vì Chúa Jesus đã sống lại! Bởi sự chết và sống lại của Chúa, ngài đã chiến thắng sự chết, Ngài đã tiêu trừ kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ (Hê-bô-rơ 2:14). Chúa Jesus đã báo trước với các môn đồ của Ngài trước khi ngài chịu chết: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than vãn, còn người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ.” (Giăng 16:20). Ngài đã sống thì chúng ta cũng sẽ sống. Chính Chúa Jesus đã hứa: “Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; trong ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại.” (Giăng 6:54) “Ăn thịt” và “uống huyết” của Chúa là hình bóng (symbol) về “ăn bánh” và “uống chén” trong lễ tiệc thánh mà chúng ta thường tham dự.

2. Để giữ mối thông công với Chúa Jesus.

Ý nghĩa của tiệc thánh vượt ra khỏi phạm vi nghi thức bên ngoài. Tham dự tiệc thánh đúng nghĩa là đem chúng ta vào mối tương giao, hay thông công (communion) với Chúa Jesus:

    Cái chén phước lành mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là thông công (communion) với huyết của
     Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là thông công với thân thể của Đấng Christ sao?”

     (I Cô-rinh-tô 10:16)

Thông công với huyết Chúa Jesus và thông công với thân Chúa Jesus có nghĩa gì? Ấy là khi dự tiệc thánh, chúng ta hiệp nhất với Chúa Jesus trong sự chết cũng như trong sự sống lại của Ngài. Phao-lô đã giải thích điều nầy như sau: Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” (Ga-la-ti 2:20). “Vì nếu chúng ta hiệp nhất cùng Ngài bởi sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ hiệp nhất cùng Ngài bởi sự sống lại giống nhau: vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa.” (Rô-ma 6:5,6).

Hiểu biết được ý nghĩa đích thực của sự hiệp nhất với Chúa Jesus trong sự chết và sự sống lại của Ngài sẽ ảnh hưởng đến đời sống thuộc linh của chúng ta: Vì con người cũ, là con người với bản tính xác thịt đã bị đóng đinh và chết với Chúa Jesus trên thập giá, nên con người cũ không có quyền gì trên chúng ta nữa, chúng ta không còn phục dưới “quyền” của tội lỗi nữa, nhưng sống bởi con người mới, là con người hiệp nhất với Chúa Jesus bởi sự sống lại của Ngài. “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 3:1-3).

Dự tiệc thánh đúng nghĩa sẽ giúp chúng ta phát triển mối thông công mật thiết với Chúa Jesus, vì Chúa Jesus dạy: “Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người ấy.” (Giăng 6:56). Hình ảnh “chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta” bày tỏ sự tương giao giữa Chúa và chúng ta trong Tiệc Thánh.

3. Để công bố sự chết của Chúa Jesus cho đến khi Chúa trở lại.

     “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao (proclaim) sự chết của Chúa cho tới lúc
      Ngài đến
.”
(I Cô-rinh-tô 11:26)

Sự tham dự tiệc thánh là một hành động mặc nhiên công bố (proclaim) về sự chết của Chúa Jesus. Con cái Chúa thường hiểu rằng khi dự tiệc thánh, thì phải rao giảng Tin lành cho những người chưa được cứu cho đến khi Chúa trở lại, điều nầy đúng vì Lời Chúa có phán dạy như vậy (Ma-thi-ơ 28:19; Mác 16:15; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8) Nhưng khi dự Tiệc thánh, chúng ta công bố (proclaim) về sự chết của Chúa Jesus, chứ không phải rao giảng (preach) về sự chết của Chúa Jesus (vì trong lúc dự tiệc thánh, chúng ta họp lại trong phòng để ăn bánh, uống chén, chứ chúng ta không đi ra ngoài rao giảng). Như vậy, chúng ta công bố sự chết của Chúa Jesus cho đến lúc Chúa trở lại bởi hành động ăn bánh uống chén khi dự tiệc thánh.

Ngoài ra, Tiệc thánh còn hướng tâm trí và đời sống chúng ta đến sự trở lại của chúa Jesus, chúng ta trông chờ ngày Chúa Jesus trở lại tiếp rước chúng ta, như Lời Ngài hứa: “Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các nhươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).Chính tinh thần hướng về ngày Chúa trở lại sẽ khiến chúng ta nhận thức được rằng cuộc sống trên thế gian nầy là tạm thời, chúng ta chỉ là khách ở trọ, chúng ta đang trông chờ một quê hương tốt hơn mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:16).

 

Tháng 10, 2016

tamtran1561@yahoo.com