KHẢI HUYỀN CHƯƠNG BỐN (Phần 2)

                                                                      Trần Đình Tâm

                                                                Ngôi Trên Trời

4:2

“Tức thì tôi được Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó.”

Ngôi:

Trong phần tâm linh của Giăng, ông được Đức Thánh Linh đem lên trời. Hình ảnh đầu tiên mà Giăng thấy mang ý nghĩa rất quan trọng: NGÔI.

Trước hết, hình ảnh “ngôi” hay còn gọi là “ngai” (throne) khiến chúng ta hình dung ra một chổ ngồi (seat) đặc biệt dành cho vua của một nước để cai trị và đoán xét người dân: “Vua (Sa-lô-môn) cũng làm một cái ngai (throne) lớn bằng ngà, bọc vàng ròng.” (I Các Vua 10:8). “Đoạn, Sa-lô-môn ngồi trên ngai Đa-vít, cha mình, và nước người được lập rất vững bền.” (I Các Vua 2:12).

 “Ngôi” còn mang ý nghĩa quan trọng hơn là một chổ ngồi, ngôi chỉ về thẩm quyền (authority) cao nhất. Vị vua ngồi trên ngôi là người có thẩm quyền cao nhất để ban ra các mệnh lệnh. Vua Pha-ra-ôn ban cho Giô-sép quyền điều hành mọi việc, nhưng vẫn ở dưới quyền của vua, vì Pha-ra-ôn ngồi trên ngôi vua: “Vậy, ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng theo lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vuamà thôi.” (sáng Thế Ký 41:40).

Ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó:

Ngôi mà Giăng nhìn thấy không phải là ngôi ở trên đất, nhưng ngôi ở trên trời, và Giăng thấy có một Đấng đang ngự trên ngôi. Đó chính là ngôi của Đức Chúa Trời.

    “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời. Nước Ngài cai trị trên muôn vật.” (Thi Thiên 103:19)

Có đến 24 câu trong sách Khải Huyền đề cập đến “Ngôi” của Đức Chúa Trời.

Chúa Jesus kêu Giăng lên tầng trời thứ ba để chỉ cho Giăng thấy ngôi của Đức Chúa Trời được lập trên các từng trời. Chúa muốn cho Giăng thấy thẩm quyền của Đức Chúa Trời là thẩm quyền tuyệt đối, cao hơn tất cả mọi thẩm quyền cao nhất của các vua chúa trên trần gian, vì ngôi của các vua trần gian đặt tại trên đất, còn ngôi của Đức Chúa Trời được đặt trên các tầng trời. Điều nầy đặc biệt đối với chương trình của của Chúa cho nhân loại trong ngày sau rốt: Khải Huyền tiết lộ cho chúng ta biết trong thời đại Hội Thánh ngày nay, đang có sự hiện diện của “ngôi của quỷ Sa-tan” (12:13); nhưng trong thời kỳ bảy năm đại nạn trên đất, thế giới sẽ xuất hiện “ngôi của con thú” (13:2; 16:10) và “ngôi của nữ vương” (18:7), dù những nhân vật ngồi trên các ngôi ấy được ban cho thẩm quyền rất lớn trên nhân loại lúc đó, nhưng vẫn ở dưới sự tể trị của Đấng đang ngự trên ngôi ở trên các tầng trời.

Hơn nữa, ngôi đặt tại trên trời cũng là ngôi mà từ đó phát xuất ra sự phán xét thế gian trong ngày sau cùng: 

“Nhưng Đức Giê-hô-va ngồi cai trị đời đời; Ngài đã dự bị ngôi mình để đoán xét.” (Thi Thiên 9:7)

4:3:

“Đấng ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và mã não; có cái mống dáng như lục bửu thạch bao chung quanh ngôi.”

Có ý kiến cho rằng Đấng ngồi trên ngôi là Chúa Jesus chứ không phải Đức Chúa Trời, vì không ai có thể thấy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ý kiến nầy khó chấp nhận được, vì trong Khải Huyền chương 5, Chiên Con (Chúa Jesus) nhận lấy cuộn sách từ tay hữu của Đấng ngự trên ngôi, như vậy, Đấng ngự trên ngôi không thể là Chúa Jesus.

Chúng ta dễ dàng nhận ra Đấng ngồi trên ngôi là Đức Chúa Cha, Ngài là Đấng Tạo Hóa. Không một người nào có thể thấy được Đức Chúa Trời vì Ngài là Thần (Giăng 4:24), Ngài là Thánh (Lê-vi ký 11:44), vì lý do đó, Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống.”, nhưng Chúa cho Môi-se thấy sự vinh quang của Ngài từ phía sau mà thôi (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20-23).

Khi dân Y-sơ-ra-ên còn trong sa mạc, Môi-se, A-rôn và 70 trưởng lão lên núi và nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, họ “ngó thấy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, dưới chân Ngài có một vật giống bích ngọc trong ngần, khác nào như sắc trời thanh quang.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:10)

Giăng cũng vậy, không phải Giăng nhìn thấy mặt Đức Chúa Trời nhưng thấy sự vinh quang của Ngài tỏa sáng chung quanh ngôi.

Bích ngọc và mã não:

Sự vinh quang của Đức Chúa Trời chắc không có ngôn ngữ nào của loài người có thể diễn tả được, nên Chúa cho Giăng thấy sự vinh hiển ấy rực rỡ như bích ngọcmã não.

Bích ngọc (jasper) và mã não (sardius) là các loại đá có màu sắc đẹp đẽ và quý giá. Loài người không thể tạo ra bích ngọc, mã não cũng như tất cả loại đá quý khác, nhưng do Đức Chúa Trời tạo nên, do đó, thật hợp lẽ khi dùng sự đẹp đẽ, quý phái của bích ngọc hay mã não để giúp cho loài người có thể hình dung phần nào sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

           

       Jasper vàng (bích ngọc)                         Sardius (mã não)

Bích ngọcmã não là 2 trong số 12 viên đá quý được khảm trên bảng đeo ngực (breastplate) của thấy tế lễ thượng phẩm A-rôn. Bản đeo ngực được gắn 12 viên đá được xếp thành 4 hàng, mỗi hàng 3 viên (tượng trưng cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên). Đá mã não giữ vị trí đầu tiên của hàng thứ nhất, và đá bích ngọc giữ vị trí cuối cùng của hàng thứ tư (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:17-20).

Cái mống dáng như lục bửu thạch bao chung quanh ngôi.

Giăng thấy chung quanh ngôi có hình dạng một cái mống (rainbow). Cái mống Giăng nhìn thấy trong sách Khải Huyền khiến nhiều nhà giải kinh liên kết với cái mống trong sáng Thế Ký 9:12-17. Sau cơn nước lụt trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời đặt cái mống trên tầng mây như là một giao ước của Ngài với loài người: Đức Chúa Trời sẽ không đoán phạt loài người bằng cơn nước lụt bao trùm toàn thể trái đất như Ngài đã làm trong thời Nô-ê. Mỗi khi trời mưa và có mặt trời chiếu sáng, chúng ta có thể thấy cái mống xuất hiện. Tuy nhiên, cái mống Giăng nhìn thấy thì ở chung quanh ngôi Đức Chúa Trời, và cái mống nầy giống như ngọc lục bảo (emerald), là loại đá có màu xanh lá cây.

 

                                         Emerald (ngọc lục bảo)

 

Thật ra, Giăng không phải là người đầu tiên nhìn thấy Ngôi Đức Chúa Trời và cái mống chung quanh ngôi, tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng được nhìn thấy cái mống chung quanh ngôi: “Ánh sáng thấy chung quanh đó (ngai) giống như ánh sáng của cái mống trong mây khi đang mưa. Ấy là tỏ ra hình trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va. Ta thấy thì sấp mặt xuống, và nghe tiếng của một Đấng phán cùng ta.” (Ê-xê-chi-ên 1:28)

Nhiều nhà giải kinh cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các loại đá mà Giăng nhìn thấy như bích ngọc, mã não, ngọc lục bảo v.v… để từ đó, đưa ra kết luận cho khải tượng của Giăng, nhưng vì Kinh Thánh không nói rõ, nên sự suy luận của mỗi người có thể khác nhau, tốt nhất là chúng ta không nên khẳng định về điều nầy. Vì tất cả các loại đá quý và đẹp đẽ trên thế giới là do Đức Chúa Trời tạo nên, do đó, chúng ta chỉ có thể tạm thời kết luận rằng các loại đá quý được kể ra nhằm bày tỏ sự vinh hiển (glory) của Đức chúa Trời, như lời Ê-xê-chi-ên đã nói ở trên.

4:4:

“Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng.”

24 trưởng lão:

Chung quanh ngôi của Đức Chúa Trời, Giăng thấy có 24 trưởng lão (elder). 24 trưởng lão xuất hiện tất cả 12 lần trong sách Khải Huyền.

Chúng ta cần nhận diện 24 vị trưởng lão, họ là ai? Hay họ tượng trưng cho nhóm người nào? Có vài ý kiến khác nhau được đưa ra:

+ Họ đại diện cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên cùng với 12 vị sứ đồ trong Tân Ước.

Ý kiến trên không ổn, vì dân Do Thái từ chối Đấng Mê-si của họ, họ đã phối hợp với chính quyền La-mã đóng đinh Chúa Jesus, họ sẽ không được cất lên trời trước đại nạn nhưng phải ở lại trên đất để chịu hoạn nạn.

+ Họ đại diện cho các thiên sứ.

Ý kiến trên cũng khó chấp nhận, vì Khải Huyền 5:11 trình bày quang cảnh trên ngôi, có 24 trưởng lão và vô số các thiên sứ cùng nhau tôn vinh Chiên Con. Thiên sứ và 24 trưởng lão cùng xuất hiện một lúc, như vậy, họ là hai nhóm riêng biệt. Ngoài ra, không có bằng chứng nào trong Kinh Thánh chỉ ra sự liên quan giữa trưởng lãothiên sứ.

Có nhiều bằng chứng cho thấy 24 trưởng lão làm hình bóng về Hội Thánh, cách giải nghĩa nầy căc cứ vào các yếu tố sau:

1. Họ ngồi trên ngôi:

Chúa Jesus hứa ban “ngôi” cho con cái Chúa của Hội Thánh Lao-đi-xê: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài.” (Khải Huyền 3:21)

“Ngôi” làm hình bóng về thẩm quyền cai trị. Chúa Jesus hứa ban cho con cái Chúa trong Hội Thánh Thi-a-ti-rơ thẩm quyền để cai trị các nước trong thời đại Vương Quốc Ngàn Năm: “Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước.” (Khải Huyền 2:26)

2. Họ mặc áo trắng:

Chúa Jesus hứa với Hội Thánh Sạt-đe: “Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy.” (Khải Huyền 3:5)

Cũng tại Hội Thánh Sạt-đe, Chúa Jesus hứa: “Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy.”  Khi Chúa Jesus tái lâm trên đất, những người mặc áo trắng (đang ở trên trời) ấy sẽ đi theo Chúa: “Các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài.” (Khải Huyền 19:14)

3. Họ đội mão triều thiên vàng:

Chúa Jesus hứa với Hội Thánh Si-miệc-nơ: “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống.” (Khải Huyền 2:10)

Chúa Jesus khích lệ Hội Thánh Phi-la-đen-phi: “Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi.” (Khải Huyền 3:11)

4. Con số 24:

Tại sao phải là con số 24 mà không phải là con số nào khác? Con số nầy khiến chúng ta quay trở lại thời cai trị của vua Đa-vít. I Sử Ký chương 24, vua Đa-vít phân chia người Lê-vi sẽ phục vụ trong đền thờ gồm 24 ban thứ, mỗi ban có một thầy tế lễ làm đại diện phụ trách, tức là có 24 thầy tế lễ đại diện cho toàn thể những người phục vụ trong đền thờ. Chúng ta ghi nhận có sự tương quan giữa con số 24 trưởng lão với con số 24 thầy tế lễ.

Khải Huyền 1:6 cho chúng ta biết Chúa Jesus là “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài.” Hội Thánh bao gồm những người được cứu chuộc bởi huyết của Chúa Jesus, họ là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.

Như vậy, 24 trưởng lão làm đại diện cho những người được cứu trong Chúa Jesus, là Hội Thánh, họ đang ở trước ngôi như là những thầy tế lễ. Con số 24 hàm ý về chức tế lễ của họ.

4:5:

“Từ ngôi ra những chớp nhoáng, những tiếng vang cùng sấm; và bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi: đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời.”

Từ ngôi ra những chớp nhoáng, những tiếng vang cùng sấm

Chớp nhoáng (lightning); tiếng (voice); tiếng sấm (thunder) cũng là quang cảnh với ánh sáng chói lòa, âm thanh vang dội khi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-nai, lúc họ còn lưu lạc trong sa mạc: Qua sáng ngày thứ ba, có sấm vang và chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16).

Chúng ta cần chú ý đến các chi tiết quan trọng sau:

+ Sách Khải Huyền có đến 4 lần xuất hiện chớp nhoáng (lightning), sấm (thunder) và tiếng (voice): 4:5; 8:5; 11:19 và 16:18.

+ 4:5lần đầu tiên: Chớp nhoáng, sấmtiếng phát xuất từ ngôi Đức Chúa Trời. Điều nầy chỉ ra nguồn gốc của sự phán xét, do Đức Chúa Trời thi hành.

+ Còn ba lần khác ở 8:5; 11:19 và 16:18, các lần nầy xuất hiện trên mặt đất đi kèm với động đất. Điều nầy cho thấy nơi mà sự phán xét đổ xuống, là đối tượng của sự phán xét, đó là dân cư sống trên trái đất.

+ 8:5lần thứ hai: Sấm, chớp, tiếng (kèm động đất) xuất hiện trên mặt đất, xãy ra ngay sau khi Chiên Con mở ấn thứ bảy: Tức là bắt đầu cơn đại nạn.

+ 11:19: Sấm, chớp, tiếng (kèm động đất) xuất hiện trên mặt đất, xãy ra sau những diễn biến của tiếng kèn thứ bảy, và 16:18: sấm, chớp, tiếng (kèm động đất)xuất hiện trên mặt đất, xãy ra sau khi hoàn tất chén thạnh nộ thứ bảy: Là thời điểm chấm dứt cơn đại nạn. [Vấn đề nầy sẽ được trình bày trong các chương viết về bảy ấn, bảy tiếng kènbảy chén thạnh nộ]

Chúng ta có thể kết luận: Tiếng sấm rền, ánh sáng chớp nhoáng, tiếng vang dội biểu hiện sự phán xét của Đức Chúa Trời (vì xuất phát từ ngôi trên trời) giáng xuống trên thế giới loài người (xuất hiện trên mặt đất) trong ngày sau rốt. Chúng ta cần phải hiểu chớp nhoáng, sấm, tiếng theo nghĩa văn tự (literal), là những thật sự sẽ xãy ra cho loài người chứ không phải chỉ làm hình bóng (symbol) mà thôi, vì chúng đi kèm theo động đất (earthquake).

Bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi: đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời

Bảy ngọn đèn sáng rực trước ngôi (seven lamps of fire burning) là hình ảnh làm biểu tượng, đây không phải là bảy Hội Thánh như có người đã giải thích vì đây là bảy ngọn đèn (lamp) chứ không phải bảy chân đèn (lampstand). Biểu tượng nầy được chính Khải Huyền tự giải nghĩa cho chúng ta biết: Đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời (seven Spirit of God). Trước hết, bản dịch Truyền Thống 1926 có chữ “vì”  là không chính xác, câu nầy không có ý nói có đến bảy Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh chỉ có MỘT ngôi vị chứ không phải bảy ngôi vị. Do đó, nên dịch cho đúng là “bảy linh của Đức Chúa Trời” (Bản Truyền Thống Hiệu Đính).

Bảy linh của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì? Cụm từ “bảy linh của Đức Chúa Trời” xuất hiện 4 lần trong Khải Huyền theo thứ tự như sau: 1:4; 3:1; 4:5 và 5:6. Mỗi lần xuất hiện, có các chi tiết khác nhau đi theo, do đó, để hiểu được ý ngĩa của “bảy linh của Đức Chúa Trời”, chúng ta cần phải nghiên cứu cẩn thận các chi tiết đi kèm theo ở mỗi câu. Sau đây là các câu có “bảy linh của Đức Chúa Trời” với các chi tiết đi kèm theo (các chữ gạch bên dưới):

1/ 1:4: Lời chúc “ân điển và bình an” từ bảy linh của Đức Chúa Trời ở trước ngôi.

2/ 3:1: Đấng (Chúa Jesus) có bảy linh của Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao.

3/ 4:5: Bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi bảy linh của Đức Chúa Trời.

4/ 5:6: Bảy con mắt của Chiên Con bảy linh của Đức Chúa Trời.

Có 3 cách giải thích về “bảy linh của Đức Chúa Trời”:

Thứ nhất, một vài nhà giải kinh liên kết “bảy linh” với các con sinh vật trong Khải Huyền 4:6-9; 5:11; 19:4 để giải thích “bảy linh của Đức Chúa Trời” là các Sê-ra-phim và Chê-ru-bim.

Thứ hai, đa số nhà giải kinh liên kết “bảy linh của Đức Chúa Trời” với Ê-sai 11:2: Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va.” Các vị nầy liệt kê bảy linh của Đức Chúa Trời như sau: 1) Linh của Đức Giê-hô-va; 2) Linh của sự Khôn Ngoan; 3) Linh của sự Thông Sáng; 4) Linh của sự Mưu Lược; 5) Linh của sự Mạnh Sức; 6) Linh của sự Tri Thức; 7) Linh của sự Kính Sợ. Tuy nhiên, cách giải nghĩa nầy không ổn, vì “Linh của Đức Giê-hô-va” (“linh” đầu tiên) rõ ràng chỉ về Đức Thánh Linh (nhiều câu trong Cựu ước cũng xác nhận “Thần của Đức Giê-hô-va” là Đức Thánh Linh), còn sáu “linh” còn lại cho thấy bản tính hay ý chí của Đức Thánh Linh. Như vậy, khi đọc kỹ phần đầu của Ê-sai 11:2 “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần …”, chúng tasẽ khó chấp nhận có sự đồng nhất giữa Ê-sai 11:2 với “bảy linh của Đức Chúa Trời”.

Thứ ba, đây là cách giải thích tốt nhất: “Linh của Đức Chúa Trời” chỉ về Đức Thánh Linh. Con số bảy chỉ về sự toàn vẹn. Như vậy, bảy linh của Đức Chúa Trời bày tỏ sự toàn vẹn trong mọi lãnh vực như bản tính, ý chí, công tác v.v… của Đức Thánh Linh.

Ý nghĩa của “bảy ngọn đèn sáng rực”:

Tại sao sự toàn vẹn của Đức Thánh Linh được ví sánh như “bảy ngọn đèn sáng rực”? Hình ảnh “ngọn đèn sáng rực” có ý nghĩa gì?

Đối chiếu với các bản dịch Kinh Thánh Anh Ngữ (dịch chính xác hơn các bản Kinh Thánh Việt Ngữ), cụm từ “bảy ngọn đèn sáng rực” được dịch là “seven torches of fire” (ESV) hay seven lamps of fire burning” (KJV) hay seven fiery torches were burning” (HCSB) cho thấy không phải là “bảy ngọn đèn sáng rực”, nhưng là “bảy ngọn lửa cháy rực”. Hình ảnh “bảy ngọn lửa cháy rực” gợi ra sự đốt nóng, thiêu cháy mạnh mẽ. Trong ngày sau cùng, sự phán xét xãy ra từ ngôi của Đức Chúa Trời sẽ như bảy ngọn lửa cháy rực, Đức Thánh Linh của sự thánh khiết (Rô-ma 1:4) sẽ như bảy ngọn lửa cháy rực sẽ tiêu trừ thế giới hung ác chống nghịch Chúa.

Ma-la-chi 4:1 là lời tiên tri về ngày sau cùng, Chúa sẽ thiêu đốt mọi kẻ ác như lửa đốt cháy rơm rạ: Vì nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành.”

4:6a:

“Trước ngôi có như biển trong ngần giống thủy tinh”

Giăng thấy trước ngôi có biển trong như thủy tinh, giống như pha-lê (sea of glass like unto crystal). Biển nầy chính là dòng sông sự sống chảy ra từ ngôi của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 22:1). Sau thời đại Một Ngàn Năm, là thời đại Trời Mới Đất Mới và cõi đời đời, biển sẽ không còn có nữa, thay vào đó là dòng sông sự sống trong như pha-lê, phát xuất từ Ngôi Đức Chúa Trời chảy ra: Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như pha-lê (crystal), từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra.” (Khải Huyền 22:1)

Ấy là sông nước sự sống theo nghĩa văn tự, đem đến hạnh phước viên mãn cho những người thuộc về Chúa trong đời sau. Còn trong đời nầy, bất cứ ai tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình thì nhận được sông nước sự sống chảy trong lòng mình, đó là dòng sông bình an, vui thỏa trong Chúa Jesus: “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy.” (Giăng 7:38)

 

Tháng 5, 2016

tamtran1561@yahoo.com